Bình Phước: Chuyển biến tích cực trong công tác dân vận của chính quyền gắn với triển khai thực hiện chương trình đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.

Thứ ba - 08/08/2023 03:12 358 0
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu khai mạc tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bình Phước năm 2023 (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu khai mạc tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bình Phước năm 2023 (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Ngày 25/6/2022, UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Quy định số 624-QĐ/TU ngày 17/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. UBND tỉnh đã tổ chức 02 Chiến dịch cao điểm “50 ngày đêm” năm 2021 đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và “92 ngày đêm” năm 2022 nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số; tổ chức 03 hội thảo, hội nghị chuyên đề về cải cách hành chính: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tọa đàm về công tác dân vận của chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao chỉ số hiệu quả hành chính (Papi), chỉ số cải cách hành chính (Par index); Hội thảo cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch làm Phó Trưởng Ban; ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước, Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính và các văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm.

Hàng năm, UBND tỉnh xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn theo đúng tiến độ đề ra. Kết quả: Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng so với năm 2021, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm tốt tăng cao. Cụ thể: Năm 2021: Chỉ số cải cách hành chính trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 88,81% và Chỉ số cải cách hành chính của trung bình UBND các huyện, thị xã, thành phố trung bình đạt 85,93%. Có 09/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm tốt; 22/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm khá; không còn cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm trung bình và nhóm yếu. Năm 2022: Chỉ số cải cách hành chính trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 92,51% (tăng 3,71% so với năm 2021) và Chỉ số cải cách hành chính trung bình của UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 92,47% (tăng 6,54% so với năm 2021). Có 23/31 cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm tốt; 08/31 cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm khá; không còn cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm trung bình và nhóm yếu.

Sau khi trung ương công bố kết quả các Chỉ số hằng năm, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tổ chức Hội nghị, Hội thảo đánh giá phân tích kết quả chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI tỉnh, đề xuất giải pháp và ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách, góp phần nâng cao các Chỉ số. Kết quả: Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2022 có thứ hạng tăng so với năm 2021. Tại Chỉ số PAR INDEX có 05/8 lĩnh vực có thứ hạng tăng, gồm: Cải cách thể chế (tăng 07 bậc); cải cách TTHC (tăng 10 bậc); cải cách chế độ công vụ (tăng 9 bậc); xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (tăng 05 bậc); đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh (tăng 15 bậc). Trong đó, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, 55 tiêu chí, tiêu chí thành phần tự đánh giá, chấm điểm đạt điểm tối đa; Chỉ số SIPAS tăng 06 bậc so với năm 2021. Trong đó, Chỉ số hài lòng của người dân đối với kết quả dịch vụ đạt 80,04%; Chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 79,15%; Chỉ số hài lòng của người dân đối với trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đạt 78,42%; Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố (tăng 09 bậc so với năm 2021); Chỉ số nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); Chỉ số nội dung quản trị điện tử đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2021).

Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân trên tinh thần đem đến sự thuận lợi, hài lòng nhất cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc quá hạn giải quyết thủ tục hành chính và không để tình trạng trễ hạn vì nguyên nhân chủ quan; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 2.053.822 hồ sơ, đã giải quyết là 1.971.502 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn luôn ở mức cao, cụ thể: năm 2021 là 98,05%; năm 2022 là 98,89%; 6 tháng đầu năm 2023 là 98,87%. Các hồ sơ thủ tục trễ hạn đều được các cơ quan thụ lý gửi thư xin lỗi trước khi đến hạn và thông báo cho người dân, doanh nghiệp biết.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh dịch vụ công (DVC) trực tuyến với nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, đến nay tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt mức xấp xỉ 100% (cấp tỉnh là 100%; cấp huyện, cấp xã là 99,8%); hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến cấp tỉnh đạt 99,48%, cấp huyện đạt 99,85%, cấp xã đạt 97,26%; hồ sơ TTHC thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt trên 98,05%. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên. UBND tỉnh đã ban hành 70 Quyết định công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tỷ lệ bình quân thời gian thực hiện TTHC trên địa bàn tỉnh đã được cắt giảm rất nhiều so với thời gian quy định của các Bộ, ngành công bố (cắt giảm 30,54%), cụ thể: tổng số thời gian công bố của Bộ, ngành là 27.843,5 ngày; tổng số thời gian công bố của tỉnh là: 19.341,5 ngày, cắt giảm 8.502 ngày. 

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 13/10/2021 để triển khai thực hiện. Lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G, phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Hạ tầng băng rộng cố định: Trên địa bàn tỉnh đã có 843/843 thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 100%. Mạng di động 3G-4G đã phủ sóng 843/843 thôn, ấp đạt tỷ lệ 100%. Tại khu vực thành phố Đồng Xoài, Viettel và VNPT Bình Phước đã triển khai thí điểm mạng 5G. Ngoài ra, các doanh nghiệp thường xuyên bổ sung các trạm lưu động tại các khu vực lễ hội để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trên địa bàn tỉnh đạt 78%.

Đặc biệt, ngày 30/6/2023 vừa qua, tỉnh đã khai trương phần mềm tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước, chính thức quyết tâm tập trung triển khai số hóa lĩnh vực đất đai với mục tiêu đến cuối năm 2023, 100% toàn bộ thông tin đất đai trên toàn tỉnh được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu để khai thác. Hệ thống kết nối liên thông với hệ thống dịch vụ công trong tiếp nhận hồ sơ đất đai, với hệ thống thông tin thuế để giải quyết nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất, từ đó hỗ trợ công tác cải cách hành chính, đảm bảo việc công khai thông tin đất đai, quy hoạch sử dụng đất, giá đất trên môi trường mạng một cách minh bạch, chính xác cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu phiền hà cho người dân trong quá trình tương tác với các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 129/129 cơ sở y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế cho thẻ BHYT từ tuyến tỉnh đến xã. Đến ngày 02/6/2023, số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD để khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT được 255.271 trường hợp. Chỉ đạo các cơ sở y tế chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng giám định Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện Dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, đã thực hiện liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT với 4.877 giấy khám sức khỏe lái xe và thực hiện ký số để phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi Giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các đơn vị cung cấp nền tảng CNTT thu phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh có 428/432 cơ sở giáo dục triển khai thu phí không dùng tiền mặt, đạt tỉ lệ 99,07%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo lập Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội thông qua VNeID, phối hợp với C06 làm sạch dữ liệu, đã cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội và phối hợp lực lượng Công an xác thực thông tin đối tượng để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Tính đến nay có 09 địa phương đã triển khai việc chi trả trợ cấp cho 1.108/25.660 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đạt 4%. Đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện (sớm hơn 45 ngày so với chỉ tiêu Bộ Công an giao). Tổ công tác đã chỉ đạo Công an tỉnh tập trung nguồn lực, thành lập các Tổ công tác, mở các đợt cao điểm “90 ngày đêm” để thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử cho công dân trên địa bàn. 

Tiếp tục duy trì và phát triển Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC) với 10 chức năng giám sát phục vụ lãnh đạo tỉnh theo dõi, giám sát các hoạt động của các sở, ngành, địa phương trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương, như: tổng hợp thống kê số liệu tình hình dân cư và 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh; theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của Trung tâm hành chính công; Giám sát, điều hành an ninh, trật tự, an toàn giao thông; theo dõi tình hình khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế…

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự triển khai tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự chung tay, đồng tình hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện các chương trình đột phá trong cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đạt được những kết quả tích cực, là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây