Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Việc phun rải chất độc hóa học này đã để lại hậu quả thảm khốc với hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu trường hợp là nạn nhân chất độc da cam.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, song hậu quả vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của người trở về từ cuộc chiến bởi di chứng chất độc hóa học do Mỹ rải xuống lãnh thổ Việt Nam. 62 năm sau thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2023), hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người vẫn còn đó.
Bất cứ ai dẫu không tận mắt chứng kiến cuộc chiến, nhưng giờ đây khi đến nhà các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có thể cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Người ta vẫn nói: “Nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”. Những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm gánh vác, là điểm tựa cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Bình Phước là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ và chất độc da cam sau chiến tranh. Hậu quả chiến tranh để lại vẫn từng ngày hiện hữu ở những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn Bình Phước, các tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hành động thiết thực “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Qua đó giúp sức, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình vượt qua nỗi đau thể chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 11 huyện, thị xã, thành phố và 48/111 xã, phường, thị trấn có cơ sở hội hoạt động với 4.983 hội viên. Trong đó, hội viên là tình nguyện viên 3.924 người; hội viên là nạn nhân đang hưởng chế độ chính sách của nhà nước 1.059 người. Tổng số gia đình có nạn nhân chất độc da cam là 802 hộ.
Để chăm lo tốt đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các cấp hội đã chủ động duy trì và vận động xây dựng quỹ dự phòng với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội đã vận động hỗ trợ nạn nhân trong dịp lễ, tết, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gần 2.400 phần quà và hỗ trợ bò giống trị giá hơn 1,25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội đã chủ động nắm bắt tình hình đời sống, sức khỏe nạn nhân, nhất là nạn nhân cao tuổi bệnh nặng, sức khỏe yếu. Phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ hội các cấp về công tác chăm sóc giảm nhẹ, tăng cường chăm sóc tại nhà và cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật là nạn nhân da cam/dioxin.
Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng nỗi đau về chất độc da cam thì vẫn dai dẳng. Hằng ngày, hằng giờ, những nạn nhân đang phải chống chọi với các di chứng, bệnh hiểm nghèo bởi dioxin như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh…
Mọi sinh hoạt hằng ngày của nạn nhân da cam Đỗ Thị Nga (bên phải), xã Long Hà, huyện Phú Riềng đều phụ thuộc vào mẹ
Thời gian qua, cùng với cả nước, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh, các tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hành động thiết thực “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Với vai trò chủ lực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng được quỹ hội hơn 3,9 tỷ đồng. Các cấp hội đã vận động tặng nạn nhân hơn 27.000 phần quà nhân dịp lễ, tết, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam; xây mới và sửa chữa 27 căn nhà, 18 nhà vệ sinh; hỗ trợ khoan 6 giếng nước sạch; tặng 66 xe lăn, xe lắc cùng các thiết bị hỗ trợ khác; hỗ trợ bò sinh sản, tặng giếng nước, sổ tiết kiệm; thăm hỏi, động viên khi nạn nhân da cam ốm đau, hoạn nạn…
Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, bản thân những nạn nhân da cam vẫn luôn nghị lực vươn lên. Phẩm chất người lính Cụ Hồ kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ năm nào luôn sáng tỏ, phấn đấu lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.
Nhiều nạn dân da cam đã được giúp sức, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống - Trong ảnh: Nạn nhân da cam Vũ Ngọc Hồng, thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng được hỗ trợ vay vốn đầu tư chăn nuôi bò
Đại diện các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh thăm, tặng quà nạn nhân da cam nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2023)
Toàn tỉnh hiện có 11/11 huyện, thị, thành hội và 48/111 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đã thành lập hội với tổng hội viên hơn 7.200 người, trong đó hội viên tình nguyện là 6.230 người, đảm bảo công tác chăm sóc, quản lý nạn nhân. Thông qua công tác chăm sóc đã giúp các nạn nhân thấy mình không lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Từ đó, họ càng quyết tâm vượt qua nỗi đau da cam, nỗ lực ổn định cuộc sống. Song song đó, các hội, ngành, nhà hảo tâm, tổ chức phi chính phủ cũng tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân da cam.
Gia đình 2 nạn nhân da cam - Lê Văn Ân (ngoài cùng, bên trái), thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng là một trong những điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống