XÂY DỰNG VÀ QUẢNG BÁ TRIẾT LÝ VÀ THƯƠNG HIỆU VĂN HÓA TỈNH BÌNH PHƯỚC “BÌNH AN - PHƯỚC LÀNH - TAM LONG HỘI TỤ”

Chủ nhật - 13/08/2023 08:18 404 0
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, có 45 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Chưa kể còn nhiều di tích khác đang được xem là tài sản quí của người Bình Phước
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
 Từ khi tỉnh Bình Phước được tái lập năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong quá trình phát triển của tỉnh. Nhằm tổng quan lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; đồng thời để làm rõ và sâu sắc hơn từ những luận cứ khoa học, bài học thực tiễn và những định hướng giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới, ngày 11/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với sự tham dự của 13.000 đại biểu. Hội nghị văn hoá tỉnh Bình Phước năm 2023 là hội nghị lần đầu tiên, quy mô lớn, mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước.

Dự hội nghị có: Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL); lãnh đạo Cục, Vụ, Viện thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTT&DL; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội; lãnh đạo các Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 
 
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhận lẵng hoa chúc mừng của đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
 
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Phước cóĐồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp trong lĩnh vực VHTT&DL; các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào DTTS.
 
Đ/c Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận lẵng hoa chúc mừng của đ/c Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
 
Đối với vấn đề phát huy giá trị văn hóa, đại biểu được nghe các tham luận: Khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững; Phát huy nguồn lực di tích lịch sử văn hóa ở Bình Phước trong vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng và quảng bá triết lý và thương hiệu văn hóa tỉnh Bình Phước; Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, các cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…

Hội nghị là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bình Phước nói chung, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch nói riêng, nhất là những người làm công tác văn hoá, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước, tạo nguồn lực nội sinh và nguồn lực đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Trong phần tham luận tại hội nghị, GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học -Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh  đã chứng minh: Bình Phước là một tỉnh vùng biên Đông Nam Bộ, có truyền thống văn hóa bản địa lâu đời gắn liền với màu đất đỏ bazan, được cả nước biết đến với hình ảnh những rừng cao su bạt ngàn, những tấm gương anh hùng chống thực dân-đế quốc kiên cường. Bình Phước sở hữu nhiều di sản lịch sử -văn hóa quan trọng thời tiền sử, đã và đang được các cộng đồng tộc người Việt, S‟tiêng, M‟nông, Tày, Nùng, v.v. tiếp nhận, gìn giữ và phát huy trong bối cảnh đời sống mới xã hội chủ nghĩa. Tốc độ phát triển kinh tế -xã hội ở Bình Phước những năm gần đây đòi hỏi tỉnh nhà cần có một khung triết lý văn hóa –xã hội phù hợp làm nền tảng, động lực và tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả phát triển xã hội. Hơn thế nữa, việc xây dựng thương hiệu văn hóa hoàn chỉnh có thể giúp Bình Phước vươn lên ngang tầm với các tỉnh, thành khác trong vùng, có sắc thái riêng và có thể giúp định hướng phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc trong tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển ở địa phương.

Có thể nói, Bình Phước là địa phương có điều kiện tự nhiên –sinh thái đa dạng vào bậc nhất trong toàn vùng. Ở đó có đất đỏ bazan của đồi núi, nương rẫy, có rừng cây, ao hồ, sông suối... Bình Phước đồng sở hữu Vườn Quốc gia Cát Tiên và cụm danh thắng Núi Bà Rá –Thác Mơ, hai viên ngọc quý mà thiên nhiên ban tặng. Hơn thế nữa, Bình Phước là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu địa thế “tam long tụ hội”, tức ba hồ lớn hình rồng, châu tuần, uốn lượn: hồ Phú Riềng, hồ Cần Đơn và hồ Thác Mơ. Ba hồ này cùng với thành phố Đồng Xoài tạo thành một hình thoi khá đối xứng, trong đó trục chính là Đồng Xoài –hồ Cần Đơn, báu vật đất trời và người xưa ban tặng...

Trong 45 di tích được xếp hạng, có 5 di tích mang giá trị thiên nhiên, là danh thắng tiêu biểu cho vùng đất đa dạng sinh thái Đông Nam Bộ (Vườn quốc gia Cát Tiên, Núi Bà Rá –Thác Mơ, Thác Đứng, Thác Đak Mai 1, Thác Voi/Thác Liêng Rót); 7 di tích mang dấu ấn văn hóa của người xưa thời sơ sử (Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2, Thành đất hình tròn Long Hà 1, Thành đất hình tròn Long Hưng, Thành đất hình tròn Thuận Lợi 1, Bãi Tiên, Thành đất hình tròn Thuận Phú 2, Thành đất hình tròn Tân Hưng 3), có 5 di tích mang giá trị tài sản văn hóa cổ truyền (Chùa Sóc Lớn, Đình Thần Hưng Long, Đình thần Tân Khai, Đình thần Tân Lập Phú, Đình thần Thanh An, Chùa Đức Bổn A Lan Nhã, Chùa Đức Minh); 25 di tích lịch sử đấu tranh cách mạng (Bồn xăng kho nhiên liệu VK96 thuộc Đường Trường Sơn –Đường Hồ Chí Minh, Bồn xăng kho nhiên liệu VK98 thuộc Đường Trường Sơn –Đường Hồ Chí Minh, Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh-1973, Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Mộ 3000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Bồn xăng kho nhiên liệu VK99, Cuộc nổi dậy của đồng bào S‟tiêng -xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25/10/1933, Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dƣơng Cộng sản Đảng ở Phú Riềng, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam 1973-1975, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp 16/3/1978, An Lộc “Nhà và đường hầm”, Vƣờn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc, Miếu Bà Rá -Dốc cây cầy, Địa điểm chiến thắng Dốc 31, Khu di tích Nơi thành lập Sƣ đoàn 302, Căn cứ Sở Nhỏ -Ban An ninh Bình Phước, Trường Quốc Quang, Nơi ghi dấu tội ác của Mỹ-ngụy tại cầu Đăk Lung, Két nước -Địa điểm Mỹ -ngụy sát hại đồng bào Làng 2 Đồn điền cao su Thuận Lợi năm 1965, Địa điểm ngụy quyền ném bom thảm sát dân thường tại chợ Lộc Ninh); có một di tích kiến trúc thời Pháp thuộc (Bệnh viện Lộc Ninh).

Qua giá trị của hệ thống di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước, có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Phước trong không gian văn hóa lịch sử của vùng Đông Nam Bộ, vừa mang hình ảnh của toàn vùng, vừa có nét riêng của một tỉnh “tiền tiêu” thuộc vùng.  Phát huy được nguồn lực di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước cũng là sự đóng góp quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ theo định hướng phát triển. Trên đại thể, Bình Phước cần có (những) bài hát hay nhắc nhớ về danh thắng và truyền thuyết núi Bà Rá và các hồ nước Tam long, cần có các câu chuyện lịch sử -văn hóa gắn với thời kỳ tiền sử ở cụm thành tròn Lộc Ninh, câu chuyện ngƣời công nhân cao su và các phong trào đấu tranh giải phóng; những câu chuyện chủ nghĩa anh hùng cách mạng gắn với điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh đi vào học đường (phần giảng dạy lịch sử -văn hóa địa phương), cần khai thác kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc Bình Phước trong các bản thuyết minh bảo tàng và trong du lịch, v.v.. Nói chung, từng hạng mục, câu chuyện và sản phẩm du lịch phục vụ xã hội đều phải được thổi hồn văn hóa, đều phải có điểm nhấn để tạo ấn tượng và lưu giữ ký ức về Bình Phước trong lòng du khách. Bản thân tên gọi tỉnh nhà cũng là một kho tàng các giá trị mà cộng đồng mong đợi: Bình an & Phước lành.

Bình Phước xứng danh là một tiểu không gian tộc ngƣời -văn hóa tiêu biểu của vùng văn hóa Đông Nam Bộ, có vị trí và vị thế văn hóa hài hòa giữa kín mở, giữa ngưng tụ phát triển, xứng đáng trở thành một “trung tâm/bảo tàng văn hóa tộc người bản địa Đông Nam Bộ” và là cộng đồng đa tộc ngƣời, sống cân bằng, hòa điệu giữa truyền thống và hiện đại, giữa con ngƣời với thiên nhiên và giữa con ngƣời với nhau. Bình Phước có thể cân nhắc lựa chọn hệ thống triết lý Đa dạng –Nhân nghĩa –Hiện đại, tích cực xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thƣơng hiệu làm khung nhận thức và thực hành cho chính quyền và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Tính hội tụ các nguồn lực, tính tham dự/đồng sáng tạo và đồng sở hữu văn hóa của các cộng đồng tộc người trong tỉnh chắc chắn sẽ góp phần quan trọng cho hiệu quả của các chiến lược, kế hoạch phát triển ở địa phương.

Bình Phước có thể tận dụng (1) tên gọi tỉnh “Bình Phước” phân thành “Bình an, Phước lành” và (2) thế Tam long hội tụ để làm tổ hợp hình ảnh đặc trưng cho tỉnh nhà. Trong ba hồ, hình dáng (từ trên cao nhìn xuống) đẹp và có ý nghĩa nhất là hồ Cần Đơn, cũng là hồ nằm xa nhất về phía bắc, phù hợp để chọn làm địa điểm tạo tác hình ảnh biểu trưng. Hai bên hồ Cần Đơn, địa phương có thể bố trí cụm hàng cây cao su tạo hình các dòng chữ: “Bình an, Phước lành” và “Tam long hội tụ”.

Trong khuôn khổ nội dung tham luận về “Khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững”, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định: Để phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong những năm tới, tỉnh cần tập trung xây dựng văn hóa Bình Phước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu có bản sắc địa phương; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Bình Phước ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, nhân văn. 
 

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay4,124
  • Tháng hiện tại89,883
  • Tổng lượt truy cập1,573,125
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây