Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 18/10/2022 04:51 897 0
Trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Phước luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội trong vùng dân tộc thiểu số. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đại hội Đảng các nhiệm kỳ đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm giải quyết. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe đồng bào có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chính sách dân tộc thực hiện đạt kết quả. Quốc phòng an ninh ở vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới được tăng cường.
Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trường Dân tộc nội trú (THCS) huyện Lộc Ninh: Nguồn Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước
Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trường Dân tộc nội trú (THCS) huyện Lộc Ninh: Nguồn Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước
Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; phía Bắc giáp tỉnh Đăk Nông và tỉnh Lâm Đồng; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và có đường biên giới dài 258,939 km với Vương quốc Campuchia; có 11 huyện, thị xã, thành phố với 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới; có 06 xã An toàn khu và 01 huyện thuộc vùng An toàn khu. Giai đoạn 2012 – 2015 tỉnh có 107 xã, phường, thị trấn thuộc ba khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong đó có 76 xã khu vực I, 22 xã khu vực II, 09 xã khu vực III và 30 thôn đặc biệt khó khăn; 38 xã thuộc vùng khó khăn. Giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh có 107 xã, phường, thị trấn thuộc ba khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi và có 10 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; có 28 xã thuộc vùng khó khăn. Giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn thuộc ba khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong đó có 50 xã khu vực I, 03 xã khu vực II, 05 xã khu vực III và 46 thôn đặc biệt khó khăn.

Về việc làm, thu nhập và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo được tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm hằng năm đã tạo điều kiện cho người lao động trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số có nhu cầu tìm việc, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, giúp người lao động có nhu cầu việc làm có cơ hội tìm được việc làm và chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động, kết quả cụ thể: Trong giai đoạn 2011 – 2015 toàn tỉnh thực hiện: Đào tạo nghề cho 39.241 người, trong đó có 9.984 người dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho gần 172.644 lao động, trong đó có 33.106 người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức ≤ 3,5% và tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn ở mức 40% vào cuối năm 2015; nâng mức GRDP bình quân đầu người từ 38 triệu đồng/ngươi/năm vào năm 2012 lên mức 39,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2015. Thực hiện giảm được 13.254 hộ nghèo theo chuẩn quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,29% (20.498 hộ) đầu năm 2011 xuống còn 2,96% (7.224 hộ) vào cuối năm 2015. Trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 5.044 hộ (8.519 hộ xuống còn 3.479 hộ). Trong giai đoạn 2015 – 2020 toàn tỉnh thực hiện: Đào tạo nghề cho 46.098 người; giải quyết việc làm cho gần 203.000 lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức ≤ 3% và tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn ở mức 90% vào cuối năm 2020, đưa tổng GRDP bình quân đầu người tăng lên mức 67,3 triệu đồng/người/năm (gấp 1,54 lần so với năm 2015). Trong giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh đã giảm được 11.059 hộ nghèo theo chuẩn nghèo được áp dụng theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,15% (14.627 hộ) đầu năm 2016 xuống còn 1,34% (3.568 hộ) vào cuối năm 2020, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 4,505 hộ (từ 6.308 hộ xuống còn 1.803 hộ nghèo DTTS).

Bảo hiểm xã hội cho người lao động, người dân tộc thiểu số

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thường xuyên được quan tâm. Hạ tầng và trang thiết bị y tế được củng cố, đầu tư, đã nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh từ 300 lên 600 giường. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 28,5 giường; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 8,5 bác sĩ; tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia là 85,6% và trạm y tế có bác sĩ đạt 84%. Các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; y tế dự phòng tiếp tục được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế từ 73,8% năm 2016 lên 90% vào năm 2020, trong đó: Giai đoạn 2013 – 2015 đã thực hiện hỗ trợ mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 214.618 lượt người dân sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn với tổng kinh phí là 174,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020 đã thực hiện hỗ trợ mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 341.257 lượt người dân sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn với tổng kinh phí là 214,119 tỷ đồng. Trong năm 2021 đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 21.503 người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và 42.821 lượt người dân sinh sống ở thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, trong 02 năm 2020, 2021 thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện hỗ trợ thêm kinh phí mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 13.548 hộ cận nghèo và 83.159 hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình (trong đó có 52.080 hộ người DTTS) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 6,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh góp phần nâng tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế lên 92% vào năm 2021.

Giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Tính đến cuối năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 265 trường phổ thông (123 trường tiểu học, 107 trường THCS, 35 trường THPT) với 6.286 lớp, 201.387 học sinh, trong đó có 37.263 học sinh người dân tộc thiểu số (chiếm 18,1% tổng số học sinh); 11.424 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó có 706 cán bộ, giáo viên người dân tộc thiểu số tương đương gần 6,2% tổng số cán bộ giáo viên hiện có.

Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho con em dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp tục duy trì; công tác vận động, tuyên truyền học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được các cấp chính quyền, các nhà tài trợ quan tâm, hỗ trợ tiếp sức cho con em đến trường. Có 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập trung học cơ sở, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Hệ thống trường dân tộc nội trú: tỉnh có 07 trường Dân tộc nội trú (01 THPT, 02 trường THCS – THPT, 04 trường THCS); năm học 2020-2021 có 1.968 học sinh theo học với 300 cán bộ nhân viên. Công tác tuyển sinh được tỉnh quan tâm thực hiện đảm bảo tỷ lệ của từng thành phần dân tộc thiểu số theo từng địa bàn, riêng đối với học sinh cấp Trung học phổ thông được tuyển sinh toàn tỉnh, không phân chia vùng nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số cho tỉnh. Tỷ lệ học sinh các Trường DTNT tỉnh năm học 2019-2020 lên lớp đạt trên 99%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS & PTTH đạt 100%. Theo báo cáo của các ngành, địa phương tính đến thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-35 tuổi (mức độ 1) biết chữ là 93%; độ tuổi từ 15 - 60 tuổi (mức độ 2) là 67,1%. Tổng số xã phường đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là 100%, mức độ 2 là 52,3% (58/111 xã, phường, thị trấn). Việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQL, GV, NV) và học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo các chính sách của Trung ương được tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ đã tác động tích cực đến địa phương, nhà trường, phụ huynh và học sinh, nhất là CBQL, GV, NV và học sinh ở các trường Phổ thông dân tộc nội trú; đã tạo điều kiện cho con em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn có điều kiện tiếp tục học, hạn chế tình trạng bỏ học; tạo điều kiện cho CBQL, GV, NV yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với các vùng phát triển trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ nhà ở, nước sạch tại vùng DTTS và miền núi

Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg, trong giai đoạn năm 2016 - 2017 tỉnh được phân bổ kinh phí là 46.657 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 36.060 triệu đồng; ngân sách địa phương: 13.720 triệu đồng) thực hiện được 09 dự án, ổn định cho 681 hộ, trong đó đã nâng cấp láng nhựa 18 km và 02 công trình đường giao thông nông thôn tại 04 dự án (xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh; thôn 8, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng; ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú; xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập). Đồng thời lồng ghép các nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, vân động hỗ trợ xây dựng 1.857 căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ xây dựng 1.181 căn nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó giúp người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo có mái nhà ổn định cuộc sống, từng bước an cư lạc nghiệp, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong nhân dân.

Thông tin truyền thông tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Công tác tuyên truyền, vận động trong vùng dân tộc thiểu số luôn được chú trọng, chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua các hoạt động định hướng cho các cơ quan báo chí, các Phòng Văn hóa - Thông tin và các Đài truyền thanh
 
- Truyền hình đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung phù hợp với từng điều kiện cụ thể của địa phương. đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt thời gian qua tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở, thông qua các hoạt động tập huấn cho cán bộ truyền thanh cơ sở, cán bộ thôn, ấp, trong giai đoạn 2017 – 2020 đã thực hiện tập huấn cho 438 lượt người, tổ chức tuyên truyền 17.000 ấn phẩm tuyên truyền số hóa truyền dẫn, phát sóng và phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình đến với các hộ nghèo, cận nghèo; sản xuất, phát sóng 133 chương trình truyền hình chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin”; 16 chương trình phát thanh nhằm tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số… hỗ trợ 5.882 chảo thu vệ tinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tăng cường và nâng cao chất lượng truyền thông từ đó giúp người dân tiếp cận được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguồn tin: Anh Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây