Phát huy vai trò của người dân đối với tiến trình cải cách hành chính tại tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 18/10/2022 04:54 364 0
Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Nghị quyết số 76 đã đề ra mục chung là: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”.
Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn người dân  cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Báo Bình Phước Online)
Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Báo Bình Phước Online)
Nghị quyết số 76 chỉ rõ 06 nội dung cần tập trung thực hiện là: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chỉnh phủ điện tử, Chính phủ số. Phấn đấu trong 10 năm tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Bên cạnh đó, trong mỗi nội dung đều đề ra mục tiêu theo từng giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.

Thực tế trong giai đoạn cải cách vừa qua, những tác động của người dân từ việc rất nhỏ như góp ý cho bộ phận một cửa ở các địa phương đã làm thay đổi cung cách phục vụ người dân của các cơ quan hành chính nhà nước; hoạt động đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành ngày càng được thực hiện thực chất hơn. Hay trong lĩnh vực cải các thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, đối tượng là người dân, doanh nghiệp đã tích cực hơn khi tham gia các giao dịch điện tử, tham gia nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Thanh toán điện tử khi thực hiện các giao dịch…Sự tham gia của người dân là yếu tố thiết yếu để tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường giải trình và minh bạch trong hoạt động hành chính nhà nước thể hiện sự cam kết phục vụ của chính quyền và tính hiệu lực bộ máy nhà nước. Giải trình và minh bạch là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng làm trong sạch bộ máy quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Kết quả khảo sát hài lòng của người dân tổ chức vào sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và khảo sát đánh giá tác động của cải cách hành chính nhà nước qua các năm gần đây tại tỉnh cho thấy người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng. 4/5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịnh vụ hành chính công tại Bình Phước có chỉ số giảm. Trong đó, Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị, người dân, tổ chức bị đánh giá thấp và giảm mạnh, đạt 58,93% (giảm 22.5%). Bên cạnh đó theo kết quả Chỉ số vẫn còn 31,04% số người được hỏi phải đi lại từ 03 lần trở lên để giải quyết công việc; từ kết quả Chỉ số cho thấy người dân chưa thực sự hài lòng ở một số nội dung, như: đóng góp tự nguyện của người dân ở cơ sở; công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập; dịch vụ Y tế công lập; nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí. Điều đó đặt ra vấn đề là chính quyền địa phương các cấp của tỉnh cần nghiêm túc xem xét, phân tích ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp qua các chỉ số, đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bên cạnh đó kiểm điểm những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp khắc phục. Đặc biệt chú trọng các khía cạnh, nội dung mà người dân, tổ chức đánh giá chưa tích cực, hài lòng thấp và Chỉ số giảm, cụ thể: Về thủ tục hành chính, về công chức, về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và về việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Để phát huy vai trò của người dân trong cải cách hành chính tại địa phương, Bình Phước đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp cho chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC, trong đó nhấn mạnh và làm rõ vai trò của cả hai bộ phận cán bộ, công chức và người dân để người dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm cá nhân của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động công.

Hai là, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỷ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ CCVC trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện CCHC của các cơ quan đơn vị. Sử dụng hiệu quả chỉ số CCHC Parindex trong theo dõi, đánh giá. Triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN làm mục tiêu phục vụ của các cơ quan. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân và tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ CCHC.

Bốn là, các cơ quan đơn vị, địa phương căn cứ vào kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS năm trước đó liền kề, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bên cạnh đó kiểm điểm những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp khắc phục. Đặc biệt chú trọng các khía cạnh, nội dung mà người dân, tổ chức đánh giá chưa tích cực, hài lòng thấp và Chỉ số giảm, cụ thể: Về thủ tục hành chính, về công chức, về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và về việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Các địa phương phải chỉ đạo phân công cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị, tìm ra nhưng nguyên nhân hạn chế, tăng cường trách nhiệm giải trình. Đồng thời đề ra các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, góp phần nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Năm là, xây dựng chính sách và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, đặc biệt ở cơ sở bám sát dân, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời chú trọng tới việc mở rộng quyền được tham gia nhiều hơn của người dân vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước nói chung, của từng địa phương nơi người dân sinh sống nói riêng, thông qua hình thức đối thoại, trao đổi thông tin, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề của đời sống xã hội, của công đồng. Công khai biểu dương thông tin kết quả áp dụng các sáng kiến, đóng góp tích cực của người dân, cơ quan nhà nước đã triển khai nhằm tiếp tục khuyến khích, phát huy tiềm năng sáng tạo, sự tham gia và tạo niềm tin về vai trò của người dân vào tiến trình CCHC.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây