Tọa đàm “Công tác Dân vận của chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước”

Chủ nhật - 11/09/2022 00:05 407 0
Sáng ngày 8/9/2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về công tác Dân vận của chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm tỉnh và 11 điểm cầu các huyện, thị, thành phố.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang: UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh  phát biểu khai mạc tọa đàm
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang: UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu khai mạc tọa đàm
Đồng chí Trần Tuệ Hiền: Bí thư BCS Đảng UBND tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Lê Thị Xuân Trang: UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng chủ trì Toạ đàm. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh; tại điểm cầu các địa phương có Thường trực huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố; lãnh đạo Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy; đại diện lãnh đạo các  phòng, ban; MTTQ, các đoàn thể huyện, thị, thành phố; Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng khối dân vận các xã, phường, thị trấn.
Phát biểu khai mạc đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Lê Thị Xuân Trang: UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đánh giá công tác dân vận chính quyền trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, tuy nhiên đều hướng đến những nội dung cốt lõi là lợi ích và nâng cao đời sống của nhân dân. Dân vận chính quyền hướng vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực hằng ngày của nhân dân như: giải quyết công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; bồi thường giải phóng mặt bằng; chăm lo đời sống văn hóa cơ sở; thụ hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội...Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền trong cải cách hành chính, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai thực hiện cải các hành chính toàn diện trên sáu nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng thời, tỉnh tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác Dân vận chính quyền gắn với cải cách hành chính trên từng nội dung, lĩnh vực. Từ đó công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp không ngừng đổi mới, các hoạt động cải cách hành chính được triển khai đồng bộ và quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành. Chính quyền các cấp thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính trong quá trình thực thi công vụ luôn gắn với thực hiện phong cách dân vận “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế; việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát; ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu như mong muốn; kết quả cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa được như mong đợi và các chỉ số có thứ hạng giảm so với các tỉnh, thành phố, cụ thể: Năm 2021: Chỉ số cải cách hành chính (Par index), đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố (giảm 9 bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas), đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố (giảm 5 bậc so với năm 2020).
Vì vậy mục đích của Hội nghị Tọa đàm nhằm đánh giá kết quả, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện công tác dân vận chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đề xuất những giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tham luận tại toạ đàm các đại biểu của các địa phương, đơn vị đều khẳng định, kết quả đạt được trong thời gian qua có vai trò quan trọng của công tác dân vận. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; đặc biệt là công tác dân vận chính quyền trong cải cách hành chính trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền: Bí thư BCS Đảng UBND tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội ngh
Kết luận Toạ đàm đồng chí Trần Tuệ Hiền: Bí thư BCS Đảng UBND tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ trong công tác Dân vận chính quyền. Trong đó chú trọng nội dung thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2685/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh với trọng tâm hiện nay là cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 25-6-2022 của Tỉnh ủy. Tổ chức thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất và có hiệu quả, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số”.
Hai là, tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính như: tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; Tiếp tục triển khai, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
Ba là, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”, khắc phục bệnh thành tích, hành chính, quan liêu xa dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đồng thời, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung cải cách hành chính của Nhà nước. Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Chính quyền với Nhân dân.
Công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện bằng hình thức phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, vùng núi, vùng biên giới... Tiếp tục đổi mới công tác dân vận chính quyền ở vùng khó khăn, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 
Sáu là, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” đối với các hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Buổi Tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác dân vận chính quyền, từ đó làm cơ sở để tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây