Năm 2023 là năm bản lề, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, trực tiếp ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sâu sát của Tỉnh uỷ; sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ; đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
- Về kinh tế: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 8,34%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch đều tăng cao; công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả cao. Thực hiện có hiệu quả và thực chất hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng, tăng 9,53% so với năm 2022.
- Về văn hóa - xã hội:
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai kịp thời, hiệu quả. Ban hành Nghị quyết số 14 -NQ/TU ngày 20/11/2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực hiện công tác xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Ước tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 196/390 trường, đạt 50,25% (vượt chỉ tiêu kế hoạch năm). Toàn tỉnh có 11/11 huyện/thị xã/thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 18/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT.
Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế được chú trọng, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước.
Đạt được kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của Ngành dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận trong tỉnh, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc phát huy dân chủ của nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hoá lành mạnh, ứng dụng công nghệ số, đã tác động tích cực đến phát triển bền vững của tỉnh; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kết quả công tác dân vận của hệ thống chính trị Bình Phước đạt được trong thời gian qua được Tỉnh ủy đánh giá cao.
13 điểm nổi bật công tác dân vận đạt được trong năm 2023 :
1. Tham mưu Tỉnh ủy Ban hành Chỉ thị 22 -CT/TU ngày 12/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Hàng quý tổ chức Hội nghị giao ban nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy tổ chức các chuyến thăm, nắm tình hình nhân dân tại các xã, phường trong tỉnh đã làm chuyển biến nhận thức cho cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo.
2. Tổ chức Hội nghị tồng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 43 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
3. Tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo” các cấp năm 2023.
4. Tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 2.000 cán bộ dân vận về nghiệp vụ công tác dân vận bằng hình thức trực tuyến.
5. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 197 -KH/TU ngày 9/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 54 -KL/TW, ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99 -QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
6. Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
7. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có nhiều mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả như: “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” của Đồng Xoài; Mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông thôn của Hội nông dân thị xã Phước Long; Thực hiện thí điểm mô hình “Ngày thứ bảy về với khu dân cư, lắng nghe dân nói” trên địa bàn thành phố (đơn vị thực hiện: Các Ban xây dưng Đảng thành ủy Đồng Xoài); Mô hình độc lạ “sầu riêng hai gốc” cho năng suất cao, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú; Mô hình: “Đội thanh niên xung kích chuyển đổi số”, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú; “Phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động Hội”, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp.
8. Việc đối thoại của Bí thư cấp ủy với nhân dân được tăng cường hiệu quả, Trong năm 2023 các ngành, các cấp đã tiếp 6.065 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Lãnh đạo các Sở, ban ngành tiếp 159 ngày/114 lượt công dân. Lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố tiếp 474 ngày/415 lượt công dân. Lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp định kỳ và đột xuất là 4.750 ngày/522 lượt công dân. Ban tiếp công dân tỉnh đã tiếp thường xuyên 511 lượt/536 lượt người (02 đoàn đông người: 01 đoàn 15 người, 01 đoàn 10 người). Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường không thỏa đáng khi thu hồi đất và phản ánh chậm triển khai một số dự án. Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh 09 ngày/năm đối với 15 vụ việc và tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân các huyện, thị. Bí thư các huyện, thị ủy, thành ủy thực hiện tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện từ 11 ngày đến 15 ngày/năm; Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân 02 ngày/tháng theo Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 12 ngày/năm, với 52 lượt công dân và tổ chức 2 buổi đối thoại với thanh niên và nông dân. Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tiếp 10 ngày/năm, với 51 lượt công dân.
9. Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền trên fanpage “Dân vận Bình Phước” song song với trang thông tin điện tử (Website).
10. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp: Phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7 xây dựng quy chế phối hợp về công tác dân vận; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền triển khai các Chương trình, dự án của tỉnh, triển khai các phong trào thi đua yêu nước năm 2023; Phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Binh đoàn 16, các lực lượng vũ trang.
11. Tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát 15 cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện công tác dân vận như: Giám sát các đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện Chương trình số 17 -CTr/TU của Tỉnh ủy. Kiểm tra các cấp ủy về thực hiện Nghị quyết 25 -NQ/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.
12. Thời gian qua, tham mưu Tỉnh ủy ban hành 5 kết luận chỉ đạo các mặt hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội (Kết luận 387, 388, 389, 390, 391) và công tác kiểm tra, giám sát các kết luận.
13. Công tác hỗ trợ nhau vay vốn, cây giống, con giống vật nuôi, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả Kết quả, toàn tỉnh có 2.218 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với 6.089 triệu đồng; giúp đỡ, vần công nhau với 4.928 ngày công; giúp 4.179 con giống (heo, gia cầm); giúp 9.875 cây giống; chuyên giao khoa học kỹ thuật với 340 đợt cho nhân dân. Quỹ Vì người nghèo toàn tỉnh đã vận động được gần 100 tỷ đồng, việc triển khai Quỹ “vì người nghèo” đã được UBMTTQVN các cấp trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt, Quỹ đã hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, cây con giống vật nuôi, các gói an sinh nhằm giúp người dân có động lực phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, là năm về đích với nhiều nhiệm vụ và yêu cầu phải nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong bối cảnh năm 2024: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và kinh tế nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác dân vận cấp ủy các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình nhân dân, phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, quan tâm phát triển và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dân vận phải hướng vào yên dân, an dân, chăm lo dân sinh, thực hiện an sinh xã hội, nhất là với bộ phận không nhỏ dân cư còn đang nghèo đói, thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận phải thể hiện bằng việc làm và hành động thực tế để bảo vệ dân, chăm lo cải thiện đời sống, nâng cao mức sống của dân và có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển, phát huy được sức dân trong một môi trường kinh tế - xã hội công bằng, dân chủ, minh bạch./.