Bình Phước có 1.026 nạn nhân chất độc da cam, 640 nạn nhân trực tiếp và 386 nạn nhân gián tiếp đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước

Thứ sáu - 23/08/2024 10:53 69 0
Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng nỗi đau về chất độc da cam thì vẫn dai dẳng. Hằng ngày, hằng giờ, những nạn nhân đang phải chống chọi với các di chứng, bệnh hiểm nghèo bởi dioxin như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh…
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Việc phun rải chất độc hóa học này đã để lại hậu quả thảm khốc với hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu trường hợp là nạn nhân chất độc da cam.
 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/8_2024/c193804de577dafabb61119907e2b9e9_17150521082024.jpg
Ông Phạm Xuân Hưng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin làm trưởng đoàn đã có buổi điều tra, khảo sát thông tin về nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Vừa qua (21/8/2024), Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin do ông Phạm Xuân Hưng, Phó Chủ tịch hội làm trưởng đoàn đã có buổi điều tra, khảo sát thông tin về nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Bình Phước, được Trung ương đánh giá là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ và chất độc da cam sau chiến tranh. Hậu quả chiến tranh để lại vẫn từng ngày hiện hữu ở những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Bình Phước hiện có 1.026 nạn nhân chất độc da cam đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước với 640 nạn nhân trực tiếp và 386 nạn nhân gián tiếp. Trong đó, 610 hộ gia đình có 1 nạn nhân, 152 hộ có 2 nạn nhân, 29 hộ có 3 nạn nhân, 5 hộ có 4 nạn nhân và 1 hộ có 5 nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các cấp hội đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn Bình Phước, các tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hành động thiết thực “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Qua đó giúp sức, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình vượt qua nỗi đau thể chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/8_2024/b13d73781a8b0ff18ad4a05a8f096a29_17152821082024.jpg
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao sinh kế cho 5 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Bình Phước với tổng trị giá 50 triệu đồng

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, 11/11 huyện, thị xã, thành phố có hội nạn nhân chất độc da cam và 48 chi hội cấp xã. Thời gian qua, các cấp hội đã vận động được hơn 4,1 tỷ đồng quỹ dự phòng để hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân da cam. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã vận động được 3.555 phần quà, trị giá gần 1,9 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân. Bên cạnh đó, Tỉnh hội cũng đã phối hợp mở 8 lớp tập huấn cho 257 cán bộ hội các cấp về công tác tư vấn tâm lý, chăm sóc giảm nhẹ, tăng cường chăm sóc tại nhà cho nạn nhân da cam.

Chỉ riêng trên địa bàn Thị xã Chơn Thành có 106 nạn nhân da cam được hưởng chế độ Nhà nước. Trong đó có 75 nạn nhân trực tiếp, 31 nạn nhân gián tiếp, có 13 nạn nhân mất hơn 81% sức khỏe. Toàn thị xã có 80 gia đình nạn nhân da cam, gồm 59 gia đình 1 nạn nhân, 17 gia đình 2 nạn nhân, 3 gia đình 3 nạn nhân và 1 gia đình 4 nạn nhân. Thời gian qua, công tác chăm sóc nạn nhân da cam đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và mạnh thường quân trên địa bàn thị xã chung tay chăm lo. Qua đó giúp nạn nhân da cam và gia đình của họ vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống.
 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/8_2024/1_09532011082024.jpg
 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/8_2024/11_09564911082024.jpg
Đại diện các đơn vị, đoàn thể đến thăm gia đình 3 nạn nhân da cam Trần Văn Đồng

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng nỗi đau và di chứng để lại thì mãi còn đó. Liệt, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh... các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo đeo bám nạn nhân da cam cho đến hết cuộc đời. Đau lòng hơn khi hầu hết thế hệ đầu tiên bị nhiễm dioxin là những người lính Cụ Hồ năm xưa đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Nay trở về đời thường, họ lại tiếp tục đấu tranh với bệnh tật, với nỗi đau da cam di truyền sang thế hệ sau. Thậm chí thế hệ thứ 3, thứ 4 (cháu, chắt) của một số nạn nhân hiện nay có biểu hiện sức khỏe không bình thường.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, bản thân những nạn nhân da cam vẫn luôn nghị lực vươn lên. Phẩm chất người lính Cụ Hồ kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ năm nào luôn sáng tỏ, phấn đấu lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.
 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/8_2023/4_05251810082023.jpg
Gia đình 2 nạn nhân da cam - Lê Văn Ân (ngoài cùng, bên trái), thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng là một trong những điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Ảnh nguồn Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây