BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - MÃI TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Thứ hai - 02/09/2024 02:17 84 0
Trong suốt hàng nghìn năm giữ nước, dân tộc ta đã có ba bản Tuyên ngôn độc lập, đó là bài thơ Nam quốc sơn hà; Bình Ngô đại cáo và bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. Ba bản Tuyên ngôn ra đời ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều có cùng một sứ mệnh lịch sử, mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - MÃI TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM
TỪ "NAM QUỐC SƠN HÀ" ĐẾN "BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO"

Nam Quốc sơn hà là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, lưu truyền là của Lý Thường Kiệt, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Bài thơ ban đầu không có tên, những người biên soạn cuốn sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (Nhà Xuất bản Văn học, năm 1976) đã lấy bốn chữ “Nam quốc sơn hà” trong câu thơ đầu tiên để đặt tên cho bài thơ này.

Ngược dòng lịch sử: Năm 1076, 30 vạn quân Tống do Quách Quý chỉ huy sang xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt chỉ huy quân ta kiên cường chống trả, ông cho lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn giặc. Do chênh lệch về lực lượng, quân Tống có thời điểm đã chọc thủng được phòng tuyến. Trước tình thế khó khăn, nhằm khích lệ tinh thần của binh sĩ và tỏ rõ chí khí của ta, Lý Thường Kiệt đã cho đọc bài thơ giữa đêm khuya từ đền thờ hai vị thần Trương Hống và Trương Hát (nguyên là tướng của Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục).

Sau khi nghe bài thơ, quân ta đã phản công, làm giặc Tống núng thế, phải chấp nhận đề nghị ngưng chiến của Vua Lý Thánh Tông, rồi rút về nước. Với 4 câu thơ, hai câu đầu Nam quốc sơn hà đã khẳng định chủ quyền dân tộc như là một chân lý thiêng liêng, bất di bất dịch và hai câu sau là lời quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược. Với tầm vóc của một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, "Nam quốc sơn hà" vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ vừa thể hiện niềm tin tất thắng vào chân lý và chính nghĩa.

Sau Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo bằng chữ Hán vào mùa Xuân năm 1428 được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc ta. Bình Ngô đại cáo được Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi tuyên cáo với muôn dân về việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Bình Ngô đại cáo là áng văn dài, được chia làm bốn đoạn, mỗi đoạn đều có trọng tâm.

Đoạn thứ nhất khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lý độc lập của dân tộc; đoạn thứ hai tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh; đoạn thứ ba kể lại diễn biến cuộc chiến từ mở đầu đến thắng lợi hoàn toàn, nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước; đoạn thứ tư tuyên bố kháng chiến thắng lợi, rút ra bài học lịch sử. Bài cáo đã dựng lên bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ hình tượng đến ngôn ngữ, từ màu sắc đến âm thanh, nhịp điệu, đều mang đặc điểm bút pháp anh hùng ca.

Nếu như trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền của dân tộc bằng một niềm tin nhuốm màu huyền thoại (Rành rành định phận ở sách trời), thì hơn 3 thế kỷ sau Nguyễn Trãi đã chứng tỏ điều đó bằng những luận cứ khoa học và sự thật lịch sử đầy tính thuyết phục: Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác...

Rõ ràng với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc, là bước tiến dài so với bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất - Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM 1945 – KHAI SINH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Bước vào thời kỳ lịch sử hiện đại, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên đà thắng lợi, sáng 26/8/1945, tại nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo. Ngày 31/8/1945, Người bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập và ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Xét về góc độ lịch sử, bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, bản Tuyên ngôn độc lập là bản Tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ở góc độ văn học, bản Tuyên ngôn là áng văn chính luận đầy mẫu mực. 49 câu, với 1.010 chữ, bản Tuyên ngôn có ba phần theo bố cục chặt chẽ của văn chính luận: Cơ sở pháp lý - cơ sở thực tế - khẳng định.

Phần đầu bản Tuyên ngôn nêu lên những chân lý về nhân quyền và dân quyền với trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp. Lời lẽ của hai bản tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lý không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng.

Điều này chứng tỏ khi trích dẫn những chân lý đó Bác đã cân nhắc rất kỹ. Và, Người vận dụng một cách đầy sáng tạo: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Phần kế tiếp, trong một đoạn ngắn hai mươi mốt câu với sự liệt kê ngắn gọn và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta, Bác đã cho cả thế giới biết chiêu bài “khai hóa, bảo hộ” với những việc làm độc ác của thực dân Pháp. Và trước những hành động tàn nhẫn của thực dân Pháp chúng ta buộc phải “rũ bùn đứng dậy”, làm cuộc cách mạng giải phóng chính mình…

Kết thúc phần cơ sở thực tiễn, Bác đã nhấn mạnh: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật...” và “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật…”. Sau khi đã làm rõ cơ sở pháp lý và nêu ra cơ sở thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những lời lẽ đanh thép để tuyên bố nền độc lập của dân tộc, đồng thời khẳng định "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".

Kỷ niệm 79 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động và đầy tự hào khi nghe lại thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm tháng vẫn qua đi, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam …

Nguồn tin: BBT (Ảnh nguồn Internet)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây