Ngày 04/7/2024 Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước ký ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND về việc quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.
Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế. Giáo viên và trẻ em là người dân tộc thiểu số tham gia dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp Một ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh.
Định mức hỗ trợ:
* Đối với giáo viên: mỗi giáo viên được hỗ trợ không quá 80 tiết tính theo chế độ trả lương dạy thêm giờ được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Tài liệu dạy học: Mỗi giáo viên được hỗ trợ 01 bộ tài liệu dạy học tiếng Việt.
* Đối với trẻ em: Mỗi trẻ em được hỗ trợ 100.000 đồng kinh phí học tập
Tài liệu học tập: Mỗi trẻ em được hỗ trợ 01 bộ tài liệu học tiếng Việt.
* Thời gian hỗ trợ: Tối đa là một tháng trong hè, trước khi trẻ em vào lớp Một; áp dụng từ hè, trước khi trẻ em vào lớp Một năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo.
Đặc thù học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh phần lớn là dân tộc S’tiêng, M’nông chiếm tỷ lệ cao. Hầu hết các em có thói quen sử dụng tiếng dân tộc mình để giao tiếp ở nhà nên vốn tiếng Việt rất hạn chế. Vì vậy, khi bước vào lớp 1, giáo viên gặp không ít khó khăn trong việc hướng dẫn các em cách giao tiếp, nội quy, quy chế của trường, lớp, chất lượng giáo dục cũng bị ảnh hưởng.
Cùng với học sinh lớp 1 cả nước, hiện nay các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đang học chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, nếu được tăng cường tiếng Việt sẽ tạo điều kiện giúp học sinh DTTS tiếp cận kiến thức thuận lợi, hiệu quả hơn. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, biên giới với thành thị.