Ngay sau khi Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực thi hành, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Phước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp chính quyền, cấp ủy các cấp chỉ đạo quán triệt thực hiện trong các cấp công đoàn. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh công đoàn các cấp đã tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, chuyên môn cùng cấp chỉ đạo cán bộ, đoàn viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện. Kết quả, có 3.096 lượt cán bộ công đoàn các cấp được học tập, quán triệt Luật Công đoàn 2012.
Căn cứ quy định của Luật Công đoàn 2012, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành và hướng dẫn triển khai thực hiện của Liên đoàn Lao động tỉnh, công tác phổ biến, tuyên truyền về pháp luật công đoàn được các cấp công đoàn tập trung tổ chức thực hiện tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức đối với cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Hàng năm Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đều xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động trong công nhân lao động, trong đó kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công đoàn. Thông qua các hình thức trực tiếp như tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân; các hình thức gián tiếp qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tài liệu, tờ rơi, pannô áp phích, mạng xã hội như Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước, loa phát thanh, bảng thông tin nội bộ của doanh nghiệp, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của công đoàn các cấp và các trang Fanpage, Facebook, Zalo... phát hành hơn 50.000 tài liệu như sách, cẩm nang, sổ tay, tờ rơi, tranh, ảnh có liên quan đến quy định pháp luật về công đoàn tới cán bộ, đoàn viên, người lao động. Kết quả, công đoàn các cấp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật công đoàn tới hơn 362.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước ban hành 01 kế hoạch chỉ đạo, hướng công đoàn các cấp trực thuộc triển khai, quán triệt thực hiện Luật Công đoàn 2012 đến cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân”; 01 kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyển, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và Nghị định số 200/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Điều 11 Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; 01 kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn. Ban hành 02 chương trình về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS giai đoạn 2013 – 2018 và 2018 - 2023; 02 chương trình về nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động giai đoạn 2013 - 2018 và 2018 - 2023; 02 chương trình về nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể giai đoạn 2013 – 2018 và 2018 – 2023; 01 chương trình về nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động giai đoạn 2018 – 2023; 02 chương trình về nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động giai đoạn 2013 – 2018 và 2018 – 2023; 10 chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh từ 2013 đến 2022. Trên cơ sở các chương trình của từng giai đoạn, hàng năm Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, hướng dẫn và kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trực thuộc thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh, thực hiện các nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động.
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, tổ chức hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tài chính, tài sản cộng đoàn từng bước được hoàn thiện, thực hiện hiệu quả. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đoàn viên, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đến nay, hầu hết công đoàn các cấp đã ký kết quy chế phối hợp công tác nay với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp hoạt động với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan như Sở Lao động-Thương binh & Xã hội, Công an tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, Tòa án tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban dân vận Tỉnh ủy, Điện lực tỉnh... trên cơ sở các quy chế, chương trình phối hợp của cấp tỉnh, hiện có 11/11 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố đều đã ký kết quy chế phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp và 90% ban chấp hành CĐCS ký kết quy chế phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động. Về chất lượng của các quy chế phối hợp cơ bản bảo đảm được các nội dung, yêu cầu của công việc cần phối hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia, có sự đồng thuận và quan tâm của cấp lãnh đạo trong công tác triển khai thực hiện.
Tính từ thời điểm Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực đến 30/6/2022 đã phát triển tăng thêm được 57.892 đoàn viên, thành lập mới 103 CĐCS, nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 110.807 người với 1.269 CĐCS. Về hoạt động công đoàn, bình quân hàng năm có có 75% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại tốt; 91,82% CĐCS cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được công nhận vững mạnh; 58,21% công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài đạt vững mạnh. Từng bước nâng cao nhận thức, khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; bảo đảm thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.