Cụ thể về công tác dân vận đã tham gia một số dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư tại địa phương, như sau:
Đối với xây dựng dự án đầu tư công: Hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi các văn bản để phối hợp với sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của đơn vị tập trung đánh giá thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các dự án; Dự kiến danh mục dự án của ngành, đơn vị cần bố trí vốn: vốn trả nợ và thanh toán các dự án đã hoàn thành, vốn cho các dự án chuyển tiếp, vốn đền bù giải phóng mặt bằng; vốn cho các dự án khởi công mới, bố trí cho các lĩnh vực như: kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế; hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng ngành giáo dục; hạ tầng ngành y tế, hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, dự án có yêu cầu vốn đối ứng của tỉnh theo thứ tự ưu tiên về sự cần thiết và hiệu quả. Giai đoạn 2016-2020 gồm có 116 danh mục dự án, giai đoạn 2021 -2025 có 169 danh mục dự án được HĐND phê duyệt (tại Nghị quyết số 13/2016-NQ/HĐND ngày 06/12/2016; Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 02/7/2021). Sau khi có quyết định chính thức phê duyệt dự án, trước khi tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp, chủ đầu tư công khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức sinh hoạt như: mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin của địa phương, cung cấp tài liệu có liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản theo quy định.
Đối với lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Sau khi được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 518/QĐ-TTg ngày 16/4/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan được giao triển khai) đã tổ chức triển khai lập Quy hoạch tỉnh trình phê duyệt dự toán chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch và ký hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch tỉnh, tiến hành tổ chức lấy ý kiến nội dung báo cáo Quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quy hoạch. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua hội nghị phản biện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch tỉnh tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội và tham luận phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến đề án quy hoạch.
Đối với dự án Khu dân cư đô thị và dịch vụ thương mại Suối Đôi: Tổng diện tích đất phải thu hồi là 10.286,1 m2 của 67 hộ gia đình, cá nhân tại khu phố 6 phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành. Dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, được triển khai năm 2016. Năm 2017, Văn phòng Đăng ký đất đất đai tiếp nhận lại công tác giải phóng mặt bằng từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chơn Thành và đã phối hợp với UBND thị trấn Chơn Thành (nay là phường Hưng Long) tổ chức họp dân phổ biến thông báo thu hồi đất, đa số các hộ dân tham gia đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Chơn Thành: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Chơn Thành có tổng diện tích đất thu hồi, giải phóng mặt bằng là 740.943,9 m2 của 402 hộ gia đình, cá nhân thuộc các phường: Hưng Long, Minh Thành, Thành Tâm. Dự án được triển khai năm 2008, đến năm 2017 công tác giải phóng mặt bằng thuộc phường Hưng Long và phường Minh Thành đã thực hiện xong còn lại 09 hộ thuộc phường Thành Tâm chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Do vậy, Văn phòng Đăng ký đất đất đai đã phối hợp với UBND, UBMTTQ phường Thành Tâm tổ chức 05 đợt đến từng hộ tuyên truyền vận động trực tiếp, kết quả đa số đã chấp hành quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng, chỉ còn lại 03 hộ chưa chấp hành do chưa chấp thuận đơn giá bồi thường đất và phương án tái định cư.
Dự án Trung tâm hành chính huyện Phú Riềng: Tổng diện tích đất phải thu hồi là 30,8ha của 65 hộ gia đình, cá nhân. Văn phòng Đăng ký đất đai (trước đây là Trung tâm phát triển quỹ đất) triển khai thực hiện từ năm 2016, đã phối hợp với Ban Quản lý dự án huyện Phú Riềng, UBND xã Bù Nho tổ chức họp dân phổ biến thông báo thu hồi đất, có 100 hộ dân tham gia đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Văn phòng Đăng ký đất đất đai đã phối hợp với UBND, UBMTTQVN xã Bù Nho thực hiện niêm yết công khai, tổ chức họp trực tiếp với người dân để lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường, đồng thời tổ chức đối thoại với các hộ dân trước khi tổng hợp báo cáo, trình phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện Phú Riềng phê duyệt. Văn phòng Đăng ký đất đai tổ chức chi trả tiền bồi thường được 26 trường hợp, còn 39 trường hợp (chiếm 60%) không đồng ý nhận do không đồng thuận với đơn giá bồi thường về đất. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 97-KH/HU ngày 26/10/2019 của Huyện ủy Phú Riềng và Quyết định số 1478-QĐ-HU ngày 06/11/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng đầu tư xây dựng khu Trung tâm hành chính huyện Phú Riềng. Tổ Tuyên truyền 1478 xây dựng Kế hoạch số 97/TTT ngày 25/11/2019 về việc tổ chức tuyên truyền, vận động. Tổ tuyên truyền thực hiện được 03 đợt tuyên truyền, vận động các hộ dân, trong đó 01 đợt mời các hộ dân để gặp gỡ tuyên truyền, vận động tập trung tại Khối vận huyện, 02 đợt tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân. Qua đó, đã huy động được cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn cùng thực hiện tuyên truyền, vận động. Kết quả: có 02 hộ đã đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, còn lại 37 hộ (chiếm 56,9%) chưa đồng ý với phương án bồi thường và tái định cư. Sau đợt vận động có thêm 09 hộ đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Dự án xây dựng kè và nạo vét hồ Suối Cam: Tổng diện tích đất phải thu hồi là 51.996,5m² của 68 hộ gia đình, cá nhân thuộc phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. Sau khi có thông báo thu hồi đất, Văn phòng Đăng ký đất đai đã phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Đồng Xoài tham mưu thành lập Hội đồng bồi thường tại Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Xoài; tổ chức họp dân phổ biến thông báo thu hồi đất có 100 hộ dân tham gia đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Trong thời gian qua, đã có hàng trăm nghìn m2 đất, với giá trị gần 300 tỉ đồng được Nhân dân tự nguyện hiến để sử dụng làm các tuyến đường theo quy hoạch, các công trình công cộng, điển hình: Hẻm 647, đường Phan Bội Châu, phường Tân Bình; đường Trần Hưng Đạo nối dài, phường Tiến Thành…đặc biệt, là dự án triển khai việc nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Rạt đoạn qua phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân. Qua đó, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của Nhân dân góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Trong giai đoạn 2017-2022, UBND thị xã Bình Long giao Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã được làm chủ đầu tư môt số dự án bồi thường trên địa bàn thị xã như: Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng đường ĐT 752 giai đoạn 1 và 2; Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến đường Nguyễn Thái Học, Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến đường Lê Đại Hành. Cùng với công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ, công chức, viên chức được phân công phụ trách các địa phương trong vùng dự án thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo việc tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp xuống từng ấp, khu phố để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường và giải phóng mặt bằng. Các cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vận động, thuyết phục người dân hiểu, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng hay giám sát khi thực hiện các quy định của pháp luật về công tác giải phóng mặt bằng. Ngòi các dự án giải phóng mặt bằng nêu trên để phát huy sức mạnh của toàn dân; phát động phong trào “Nhân dân hiến đất làm đường” đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát triển đường giao thông trong khu dân cư, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn các xã, phường. Qua đó trong những năm qua với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” các địa phương đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới và đưa vào sử dụng 250,5km đường giao thông trong đó 178,5km là đường bê tông; lắp đặt và đưa vào sử dụng 82,11km đèn đường chiếu sáng; lắp đặt 256 camera an ninh tại các trục đường khu phố, ấp, sốc nơi trọng điểm về an ninh trật tự, tại Phú Đức xây dựng được 04 cây cầu, mương thoát nước và các công trình khác giúp người dân đi lại thuận tiện, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: 80,365 tỷ đồng và 2222,372 tấn xi măng. Vận động Nhân dân đóng góp 48,577 tỷ đồng, (trong đó 42,297 tỷ đồng tiền mặt, ngày công lao động thành tiền 4 tỷ đồng, còn lại hiến đất và các công trình trên đất trị giá 2,26 tỷ đồng), cải tạo kênh, suối. Trong Chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới, trong suốt thời gian qua từ năm 2011-2020 hai xã Thanh Lương và xã Thanh Phú đầu tư để xây dựng và hoàn thành Nông thôn mới với tổng kinh phí là 482,98 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 227,24 tỷ đồng chiếm 47,05%, vốn tín dụng 177,5 tỷ đồng chiếm 36,75%, nguồn huy động doanh nghiệp 9,62 tỷ đồng chiếm 1,99% và nguồn từ Nhân dân đóng góp 47,48 tỷ đồng (trong đó: tiền mặt là 41,2 tỷ đồng, ngày công là hơn 4 tỷ đồng còn lại là hiến đất 2,34 tỷ đồng) chiếm 9,82% tất cả đều do Nhân dân tự nguyện hiến đất không có trường hợp nào đòi đền bù đất và hoa màu.
Đối với Bù Đốp, công tác dân vận đã tham gia một số dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư tại địa phương, tiêu biểu như: Dự án xây dựng đập Bù Tam (xã Hưng Phước); Dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài (TT Thanh Bình); Dự án di dời chợ Thanh Hòa về Trung tâm Thương mại (TT Thanh Bình). Trong công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân vẫn còn có một số hộ dân có đất bị thu hồi chưa đồng thuận, chưa thực hiện quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, lý do không đồng thuận có cả khách quan và chủ quan, song cơ bản vẫn là việc chưa thống nhất về mức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Hệ thống mặt trận và đoàn thể các cấp đã vào cuộc, tuyên truyền, vận động, giải đáp những băn khoăn của nhân dân; đồng thời nêu những lợi ích mà các dự án mang lại cho đời sống xã hội tại địa phương. Đối với dự án đập Bù Tam (xã Hưng Phước) và đường Hoàng Văn Thụ nối dài, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện kịp thời, đảm bảo tiến độ của dự án, nhất là đảm bảo đời sống, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền lợi của nhà đầu tư trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện. Riêng đối với dự án di dời chợ Thanh Hòa về Trung tâm Thương mại, thời gian thực hiện kéo dài đến đầu năm 2021 vì nhiều hộ tiểu thương không đồng ý chuyển lên Trung tâm Thương mại buôn bán, mở điểm bán tự phát ở khu vực gần chợ cũ. Đến nay, qua kiên trì vận động thuyết phục kết hợp với nhiều biện pháp khác, hầu hết các hộ đã chấp hành và buôn bán ổn định ở Trung tâm Thương mại, còn một số tiểu thương vẫn thuê nhà dân bên đường để đặt sạp nhỏ buôn bán. Tuy nhiên hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm an toàn giao thông đường bộ không còn xảy ra.
Từ thực tiễn thực hiện hướng dẫn của Trung ương về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư, Bình Phước rút ra một số kinh nghiệm đó là:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước trước khi triển khai Dự án. Muốn thành công trong công tác này nhất định phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền với các ngành, đoàn thể liên quan; quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mà quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền vì là cấp có thẩm quyền trực tiếp giải quyết cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thứ hai, lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động phải đảm bảo thành phần, số lượng thì tính thuyết phục người dân sẽ cao hơn rất nhiều. Kỹ năng thuyết phục, vận động của các thành viên Tổ tuyên truyền phải vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa đảm bảo đúng nguyên tắc của pháp luật là yếu tố hết sức quan trọng. Đồng thời, các thành viên Tổ công tác phải am tường lĩnh vực cần vận động, qua đó dễ thuyết phục; lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để đề xuất hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân.
Thứ ba, cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thỏa đáng và đáp ứng được nhu cầu của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận thì cần rà soát, xem lại cơ chế, chính sách áp dụng đã đúng hay chưa để có hướng trao đổi, thuyết phục, giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, riêng biệt.
Thứ tư, công tác dân vận gắn với công tác tuyên truyền, vận động phải làm từng bước chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một, từ khảo sát thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân đến xác định nội dung cần trả lời, giải thích; phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho từng thành viên Tổ công tác; xác định thời gian địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp, nên chọn địa điểm gần dân nhất như nhà văn hóa khu phố, ấp hoặc tại hiện trường Dự án; trao đổi bàn bạc, phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.
Thứ năm, xác định công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các Dự án phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay; xác định rõ những dự án trọng điểm, ưu tiên để xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp. Xác định đây là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, liên tục, trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người mà dự án đi qua.