Bình Phước: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư

Chủ nhật - 17/04/2022 10:05 514 0
Đó là nội dung của Chỉ thị số 07-CT/TW đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 06/7/2021. Sau 16 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó có mục tiêu quan trọng: Giảm số người nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; giảm số người tử vong do AIDS và nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến thân thiện hơn, không còn sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS như trước.
Ảnh Minh Họa. Nguồn Internet
Ảnh Minh Họa. Nguồn Internet
Trong những năm qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống HIV/AIDS có sự thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt; nhiều người nhiễm HIV đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS từng bước được xây dựng đồng bộ và khá toàn diện. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai quyết liệt, đổi mới, đa dạng về nội dung và hình thức. Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Sự phối hợp liên ngành triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và hiệu quả.
Vì vậy, để thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, Tỉnh ủy Bình Phước đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 67-KH/TU, ngày 26/3/2022 với một số chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới  nhiễm và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm thiểu tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh  tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự  phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; Đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét  nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong  cộng đồng biết được tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát  chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao; Mở rộng nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm  HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút  HIV đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030; Củng cố tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV các tuyến;  đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo tài  chính cho phòng, chống HIV/AIDS.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn tới, tỉnh Bình Phước cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo,  chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của  Nhà nước về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ưu tiên đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình  dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức  thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở thuộc thẩm  quyền quản lý. Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong  công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý người bệnh HIV/AIDS, kiểm soát nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS.
Các cơ quan, đơn vị chủ động lập kế hoạch, bố trí kinh phí và phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với chức năng, nhiệm  vụ. Thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành phù hợp để tăng hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với  các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế và các hỗ trợ khác cho người nhiễm HIV sống và hòa nhập cộng đồng do các sở, ngành và  các địa phương thực hiện.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là trong các cơ sở dịch vụ giải trí, cơ sở lưu trú và  các biện pháp chế tài đối với những cơ sở không thực hiện các biện pháp này; đẩy  mạnh công tác phối hợp liên ngành trong phổ biến pháp luật về phòng, chống  HIV/AIDS, trong đó chú trọng phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị nhiễm HIV.
Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào;  đưa các chỉ tiêu về hỗ trợ, giúp đỡ người bị nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng  đồng vào các chương trình công tác của các tổ chức chính trị - xã hội; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm … cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người  nhiễm HIV ổn định cuộc sống; Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động, trợ cấp bảo hiểm xã hội... theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh  triển khai các hoạt động hỗ trợ, kỹ thuật để củng cố, tăng cường năng lực mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Tiếp tục đổi mới truyền thông, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV; Truyền thông đại chúng: Mở các trang, chuyên mục tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng, đăng tải các video clip, biểu ngữ cổ động…, tuyên  truyền trên báo điện tử có lượng người xem lớn; sản xuất các tin bài, phóng sự đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguồn tin: Minh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây