CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN VẬN

Thứ sáu - 22/04/2022 02:56 679 0
Thông tin, báo cáo vốn là nhu cầu tự thân trong quá trình hoạt động của mỗi cơ quan, mỗi cấp lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi tổ chức. Thông tin, báo cáo còn là chế độ quy định trong quan hệ công tác: Cấp dưới báo cáo với cấp trên; cơ quan tham mưu báo cáo với cấp ủy; trao đổi thông tin về hoạt động với các cơ quan, đơn vị liên quan; cung cấp tài liệu cho các cơ quan nghiên cứu,…
Để nâng cao chất lượng thông tin, nhanh, kịp thời, chính xác, nhằm báo cáo kịp thời tình hình nhân dân, những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đồng thời thống nhất về mặt thể thức văn bản báo cáo trong ngành dân vận, giúp cho việc đánh giá các kết quả hoạt động của ngành ngày càng sát và đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngày 21/4/2022, đồng chí Lê Thị Xuân Trang – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Vệt Nam tỉnh đã ký ban hành Hướng dẫn số 02, hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo công tác dân vận, cụ thể như sau:
1. Phân loại thông tin, báo cáo
          Đối với công tác dân vận, thông thường có các loại thông tin, báo cáo sau:
          - Báo cáo trực tiếp: Là phản ánh trực tiếp hoặc trao đổi qua qua điện thoại, qua nhóm Zalo những thông tin nắm được cho người có trách nhiệm, không dùng văn bản, giấy tờ. Nếu được hỏi, người báo cáo có thể nhận định, đánh giá và ý kiến đề xuất của mình về vấn đề phản ánh.
          - Báo cáo nhanh: Thường là báo cáo dạng văn bản, kịp thời phản ánh về một công việc, một sự việc; với cách viết ngắn gọn nhưng rõ 3 nội dung chủ yếu: Diễn biến của công việc, sự việc; Nhận xét sơ bộ; Kiến nghị, đề xuất ban đầu. Với loại báo cáo này không nên viết thành các đề mục lớn, mà dùng các tiểu mục cho các đoạn ngắn gọn; thể thức văn bản theo quy định.
          -  Báo cáo (định kỳ) tháng, quý: Là văn bản phản ánh, đánh giá các mặt hoạt động của cơ quan, tổ chức trong từng tháng, quý; thời gian báo cáo thực hiện theo yêu cầu của cấp trên hoặc theo Quy chế của ngành. Trước hết, báo cáo phản ánh kết quả thực hiện chương trình công tác, chức năng, nhiệm vụ đã được xác định; lưu ý nêu rõ vấn đề mới xuất hiện, phát sinh; kiến nghị công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tháng, quý tiếp theo.
          - Báo cáo sơ kết, báo cáo chuyên đề: Được tiến hành sau quãng thời gian triển khai một chủ trương, một công việc hoặc cần sơ kết sâu một chuyên đề của công tác dân vận. Nội dung chính của loại báo cáo này là sự nhìn nhận, đánh giá kết quả của việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Báo cáo này dựa trên quá trình theo dõi, chỉ đạo hoặc được tiến hành sơ kết từ một số đơn vị cơ sở, cấp dưới trực tiếp, cho nên, cần phản ánh được sự đánh giá thực tế của nhiều đơn vị, cơ sở.
          Nội dung chính của cáo sơ kết cần nêu được hoàn cảnh và quá trình triển khai, chỉ đạo thực hiện hoạt động, công việc, vấn đề…; nhận định, đánh giá tình hình, kết quả chủ yếu, chú ý nêu bật những chuyển biến tốt, tác động tích cực, nhân tố mới; nêu rõ những tồn tại, hạn chế; định hướng và biện pháp chỉ đạo, thực hiện giai đoạn tiếp theo; kiến nghị, đề xuất với các cấp chỉ đạo, cơ quan, tổ chức liên quan.
          - Báo cáo tổng kết: Là loại văn bản để nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ đạo, triển khai một chủ trương công tác hoặc một hoạt động lớn đã diễn ra qua một năm, một giai đoạn nhiều năm. Thông qua việc tổng kết để tìm tòi kết luận và đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo, triển khai; đề ra chủ trương, giải pháp mới trong thời gian tới được sát hợp hơn. Báo cáo tổng kết cần có chương, mục rõ ràng, thể hiện bố cục chặt chẽ; được thảo luận tập thể để hoàn chỉnh bản báo cáo. Đối với những báo cáo tổng kết thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng cần thiết xây dựng đề cương để đảm bảo tính kết cấu chặt chẽ, định hướng bố cục, nội dung sát hợp của báo cáo.
          Báo cáo tổng kết thường có những nội dung chính sau: Quá trình triển khai thực hiện, diễn biến của sự việc, vấn đề. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc: Ưu điểm (mặt được, chuyển biến tốt, mô hình mới…); tồn tại, khuyết điểm; nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thời gian tiếp theo; kiến nghị, đề xuất chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo.
2. Trình tự chuẩn bị thông tin, báo cáo
Tùy vấn đề và yêu cầu của sự chỉ đạo mà việc chuẩn bị báo cáo được bố trí thời gian, phân công chuẩn bị, đầu tư công sức khác nhau. Mỗi báo cáo đều qua các bước thực hiện sau:
a) Hình thành ý tưởng, chuẩn bị đề cương của báo cáo: Sau khi có chủ trương của lãnh đạo, cần phân công cá nhân chuẩn bị. Người được phân công phải đề ra ý tưởng báo cáo (chủ đề, yêu cầu, vấn đề phải đánh giá, khía cạnh phải làm rõ...), tất cả được thể hiện thành một đề cương báo cáo. Trên cơ sở đó lấy ý kiến của lãnh đạo, các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh đề cương.
b) Dự thảo báo cáo: Một người hoặc một số người phân công nhau viết dự thảo báo cáo dự thảo theo đề cương đã chuẩn bị. Sau khi chắt ghép lại, sửa chữa và thống nhất tổng thể để có văn bản dự thảo đầu tiên, có kết cấu và nội dung tương đối hợp lý. Gửi báo cáo dự thảo cho các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm để được tham gia, đóng góp ý kiến. Tổ chức thảo luận chung hoặc thảo luận một số vấn đề quan trọng trình bày trong báo cáo.
c) Hoàn chỉnh báo cáo: Tiếp thu ý kiến trong các cuộc trao đổi, thảo luận và ý kiến đóng góp của các cơ quan, cá nhân có liên quan để hoàn chỉnh báo cáo. Phải tiến hành các việc: Điều chỉnh, sửa bố cục cho hợp lý; chuẩn xác các nhận định, đánh giá, đề xuất, kiến nghị; sửa văn phong, câu chữ; bổ sung các phụ lục, tư liệu; in ấn; người có trách nhiệm ký tên và đóng dấu. Báo cáo được gửi đi và lưu trữ theo quy định. Nếu là vấn đề cần giữ bí mật phải bảo quan theo chế độ mật.
3. Đề cương một số mẫu báo cáo dân vận
3.1. Đề cương báo cáo nhanh:
a) Báo cáo nhanh về vụ việc nảy sinh tại địa phương (báo cáo ngay sau khi sự việc xảy ra)
- Tên vụ việc
- Địa điểm xảy ra
- Nội dung (nêu gọn, rõ, nhưng đầy đủ thông tin cần thiết)
- Quy mô, mức độ
- Số người tham gia
- Gây ra vấn đề gì hay thiệt hại gì? (mất trật tự xã hội, chết người hay bị thương, thiệt hại về tài sản…)
- Nguyên nhân xảy ra
- Cấp ủy, chính quyền đã có chủ trương gì và đã chỉ đạo xử lý ra sao?
- Dân vận, Mặt trận, đoàn thể đã tham gia thế nào?
- Kết quả đã giải quyết đến đâu?
- Dự báo chiều hướng tới
- Dư luận, tâm trạng, thái độ, nguyện vọng của nhân dân địa phương
- Những kiến nghị, đề xuất.
b) Báo cáo nhanh về tình hình thiên tai tại địa phương (báo cáo ngay sau khi sự việc xảy ra)
- Tên cụ thể của thiên tai (bão, lũ, sạt lở,…)
- Địa điểm xảy ra
- Quy mô, phạm vi
- Số người thiệt hại
- Tài sản thiệt hại
- Cấp ủy, chính quyền đã có chủ trương gì để chỉ đạo và giải quyết?
- Dân vận, Mặt trận, đoàn thể đã tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thế nào?
- Kết quả đã khắc phục đến đâu?
- Tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương
- Những kiến nghị đề xuất
3.2. Đề cương báo cáo tháng, quý.
I. Tình hình nhân dân:
Tình hình các tầng lớp nhân dân (tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng và nhu cầu bức xúc của các (một số) đối tượng quần chúng).
II. Kết quả công tác Dân vận …...
1. Hoạt động của Ban Dân vận các cấp:
2. Công tác dân vận của các cấp chính quyền.
3. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang.

4. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

5. Công tác dân tộc - tôn giáo
III. Nhận xét, đánh giá, kiến nghị đề xuất.
IV. Phương hướng, nhiệm vụ công tác dân vận .....
3.3. Đề cương báo cáo sơ kết 6 tháng
I. Tình hình nhân dân
Tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng (rất khái quát).
Tình hình các tầng lớp nhân dân (tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng và nhu cầu bức xúc của các (một số) đối tượng quần chúng).
II. Kết quả công tác Dân vận của hệ thống chính trị
1. Công tác dân vận của các cấp ủy đảng
2. Công tác dân vận của các cấp chính quyền.

3. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

4. Công tác dân tộc - tôn giáo
5. Hoạt động của Ban Dân vận các cấp:
III. Nhận xét, đánh giá, kiến nghị đề xuất
IV. Phương hướng, nhiệm vụ công tác dân vận .....
3.4. Đề cương báo cáo tổng kết năm
PHẦN THỨ NHẤT: ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC DÂN VẬN NĂM ĐÃ QUA
I. Khái quát tình hình (kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng)
Tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng (rất khái quát).
Tình hình các tầng lớp nhân dân (tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng và nhu cầu bức xúc của các (một số) đối tượng quần chúng).
II. Công tác dân vận của hệ thống chính trị
1. Công tác dân vận của các cấp ủy đảng
2. Công tác dân vận của các cấp chính quyền
3. Hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng.
4. Công tác dân tộc, tôn giáo.
5. Các phong trào thi đua khác
- Phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
- Kết quả học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành dân vận.
-  …
III. Hoạt động của Ban Dân vận cấp ủy
IV. Những kiến nghị, đề xuất về công tác dân vận
Đánh giá chung về công tác dân vận qua một năm; tồn tại, hạn chế, kinh nghiệm, đề xuất.
PHẦN THỨ HAI: PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM TỚI
I. Định hướng chung, công tác trọng tâm của cấp ủy đảng
II. Nhiệm vụ (chương trình) công tác dân vận năm tới
Căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương và hướng dẫn của Ban Dân vận cấp trên, nhiệm vụ (chương trình) công tác dân vận cần thể hiện tập trung, rõ việc, có thời điểm triển khai, yêu cầu và các giải pháp thực hiện, để làm tốt việc tham mưu cho chỉ đạo của cấp ủy về công tác dân vận gắn chặt với các chủ trương được tiến hành ở địa phương, cơ sở. Kèm theo báo cáo có phụ lục số liệu thống kê phản ánh các mặt hoạt động được nêu trong báo cáo tổng kết.
Căn cứ vào trình tự xây dựng các loại báo cáo của ngành dân vận, Ban Dân vận các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tùy vào tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị mình xây dựng báo cáo chất lượng, sát thực tiễn, số liệu cụ thể, chính xác. Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ dựa vào thời gian, chất lượng của các loại báo cáo để cộng hoặc trừ điểm thi đua ngành dân vận hàng năm.
 

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây