Thứ nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vững mạnh là một nhiệm vụ mấu chốt để thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, đoàn kết nội bộ dân tộc, đoàn kết các dân tộc, đưa phong trào cách mạng ở miền núi tiến lên và phát triển vững chắc.
Thứ hai, trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải coi trọng cả hai loại cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ người Kinh, cán bộ dân tộc thiểu số đông người và cán bộ dân tộc thiểu số ít người, kết hợp tốt và đoàn kết tốt hai lực lượng này trong một đội ngũ thống nhất để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân.
Thứ ba, trong xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phải kết hợp chặt chẽ giữa tạo nguồn cán bộ với phát hiện cán bộ trưởng thành từ trong thực tiễn hoạt động phong trào của quần chúng và thực tiễn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và phát triển Đảng ở vùng dân tộc thiểu số.
Thứ năm, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số gắn chặt với xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc đa số phải được đặt trong quy hoạch tổng thể chiến lược vì lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số và sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã thể chế hóa các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách, đề án, dự án phát triển giáo dục và đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai thực hiện. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã từng bước hình thành và nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu làm công tác dân tộc, đảm đương những nhiệm vụ nặng nề trên các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu của đất nước. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và tổ chức thực hiện hệ thống các quan điểm rất cơ bản và nhất quán về vấn đề dân tộc, cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Đó là các quan điểm lớn: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, củng và và phát triển khối đại đoàn kết, sự thống nhất trong đại gia đình dân tộc Việt Nam; phát huy mọi tiềm năng, nhân tài, vật lực của tát cả các dân tộc, các vùng của đất nước vì sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào dân tộc, là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cần có sự quan tâm đặc biệt và các chính sách có tính chất ưu tiên. Trên cơ sở đi trước một bước trong công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đồng thời kết hợp bố trí cán bộ tại chỗ và cán bộ từ nơi khác đến, các cấp ủy và tổ chức đảng từng bước xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Công tác tạo nguồn, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được coi là một trong những giải pháp quan trọng có tính chất then chốt để tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng ta và đồng bào các dân tộc. Cán bộ người dân tộc thiểu số là người biết nói tiếng của đồng bào, biết cách nói cho đồng bào hiểu các chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước; hiểu rõ đặc điểm tình hình địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, tâm tư, nguyện vọng và phong tục tập quán của dân tộc mình là thế mạnh nên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hệ thốnh chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và luôn là cầu nối giữa Đảng ta với đồng bào các dân tộc thiểu số. Các cấp ủy Đảng và chính quyền nhận thức đúng đắn rằng, việc đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số là điều kiện mấu chốt để thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.
Thực tiễn đổi mới cho thấy về chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thể hiện rõ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần trách nhiệm, giữ gìn đạo đức cách mạng, thương yêu đồng bào các dân tộc, duy trì tốt ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, làm việc tận tụy, tận tâm và cầu thị, khiêm tốn, có bước trưởng thành về trình độ học vấn và năng lực công tác, có uy tín và được đồng bào các dân tộc quý mến. Vì vậy, chăm lo, củng cố bộ máy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ở vùng dân tộc thiểu số đi trước một bước là vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.