Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Từ đó, luật đã được các tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân đón nhận, yên tâm, phấn khởi trong việc sống đạo và giữ đạo, chấp hành nghiêm pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, từ thiện nhân đạo...
Về bố cục: Luật tín ngưỡng, tôn giáo có 09 chương, 08 mục và 68 điều:
Về nội dung cơ bản của luật tín ngưỡng, tôn giáo có các nội dung sau:
Thứ nhất, về chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Do vậy, Luật tín ngưỡng tôn giáo cũng quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người (Khoản 1 Điều 6). Mọi người đều có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo; học tập thực hành giáo lý… là bình đẳng. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Thứ hai, về hoạt động tín ngưỡng.Thực hiện hoạt động tín ngưỡng đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo. Để phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, Luật quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. So với pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thì nội dung này có nhiều điểm mới như chủ thể được thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mà nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức cũng được thực hiện.
Đăng ký hoạt động tôn giáo, luật quy định được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, đó là có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, có tôn chỉ mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật.
Thứ tư, về tổ chức tôn giáo. Một trong những điều kiện tiên quyết để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đó là tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đây là nội dung mới của Luật. Phải có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình…
Thứ năm, về hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo. Một trong điểm mới của Luật so với pháp lệnh là việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ thực hiện một lần, đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì thông báo bổ sung; người nước ngoài cư trú hợp pháp ỏ Việt Nam được vào tu tại các cơ sở tôn giáo, được sinh hoạt tôn giáo tập trung, được học tại các cơ sở tôn giáo hoặc lớp bồi dưỡng về tôn giáo…
Thứ sáu, về phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Luật quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, UBND, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo các cấp trong quản lý hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, MTTQ và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ bảy, giảm các quy định xin, cho, bổ sung các quy định thông báo. Luật đã giảm các quy định xin, cho, bổ sung các quy định thông báo, ví dụ như thông báo người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo kết quả đào tạo từng khóa học của cơ sở đào tạo tôn giáo; thong báo mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thông báo hội nghị thường niên.
Thực tế qua 4 năm triển khai thi hành luật cho thấy, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng còn những khó khăn, bất cập, như: ở một số địa phương đã xuất hiện có những cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất về một số từ ngữ trong luật, ví dụ cách hiểu về hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng, chức sắc và chức việc, địa điểm hợp pháp, tổ chức tôn giáo trực thuộc... gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng (trừ các lễ hội tín ngưỡng và cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc các cơ sở tín ngưỡng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương) ở cấp Trung ương được quy định thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ, nhưng hiện nay ở cấp huyện, cấp tỉnh việc tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng, cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng vẫn chưa được quy định rõ ràng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Nội vụ hay Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc tham mưu thực hiện quản lý về các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng ở địa phương. Hay vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định trong luật đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhiều chủ thể, tuy nhiên cũng còn những băn khoăn như luật quy định UBND cấp xã là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là “nặng” và không phù hợp. Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định giáo lý, giáo luật của các nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhưng chưa thuộc tổ chức được công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo? Ngoài ra, các vấn đề về tổ chức tôn giáo trực thuộc; pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc; về phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành... cũng đang có những băn khoăn trong quá trình thực hiện...
Từ những vấn đề đang đặt ra nêu trên, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường củng cố, tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện luật, bảo đảm phát huy cao nhất quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cần tích cực, chủ động, tự giác chấp hành pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, cũng như pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo, đoàn kết lương giáo...