Kỹ năng nắm tình hình nhân dân, khâu then chốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Thứ hai - 12/08/2024 09:063470
Công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật mà đích đến là làm sao cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống Nhân dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin; từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Thực tiễn cho thấy, để tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng “Dân vận khéo”.
Công tác nắm tình hình nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung và nhiệm vụ công tác dân vận nói riêng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã coi việc nắm bắt lòng dân (tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân) là một trong những việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra các chủ trương, đường lối cách mạng phù hợp với lòng dân. Xác định công tác nắm tình hình Nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 12/10/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới; Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nắm tình hình, tư tưởng Nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước là tỉnh đầu tiên và cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước cho đến thời điểm hiện tại ban hành một chỉ thị riêng để chỉ đạo về công tác nắm tình hình Nhân dân. Thời gian qua, để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong tỉnh về công tác nắm tình hình Nhân dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.Sau 10 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy công tác nắm tình hình Nhân dân đã từng bước đi vào nề nếp; với phương châm“Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, ấp, khu phố, xã nắm đến hộ dân” đãđược vận dụng phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Nội dung nắm tình hình Nhân dân đã có trọng tâm, trọng điểm; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, chủ động thường xuyên, tích cực nắm tình hình Nhân dân, đề ra nhiều biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
* Mục tiêu của Chỉ thị 22: Thứ nhất: Phải nắm chắc tình hình Nhân dân “từ xa, từ sớm”, không để sự việc xảy ra bất ngờ; giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; không để xảy ra điểm nóng làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thứ hai:Đánh giá, dự báo đúng, chính xác tình hình Nhân dân để đề xuất các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những quyết sách đúng đắn, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động giám sát, phản biện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
* Nội dung nắm tình hình Nhân dân:Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 144-KH/BDVTU ngày 31/10/2023 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU. Trong đóhướng dẫn cụ thể các nội dung, phương pháp nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Mục đích nhằm giúp các địa phương, đơn vị đánh giá, dự báo đúng, chính xác tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo để đề xuất các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những quyết sách đúng đắn, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh đạt hiệu quả. Góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động giám sát, phản biện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Sau khi Chỉ thị 22 ra đời, ngày 27/10/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU về thăm và nắm tình hình Nhân dân. Đặc biệt, định kỳ hàng quý đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp xuống các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo để thấu hiểu những khó khăn, vất vả và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của Nhân dân đồng thời cũng kiểm tra công tác tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã tới Nhân dân hay chưa và có hợp lòng dân hay không? Theo đó, Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đi thăm nắm, tặng quà cho đồng bào dân tộc nghèo một số nơi như: xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng; xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, thăm nắm tình hình sản xuất - kinh doanh tại Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phước Thiện; thăm một số khu công nghiệp của thị xã Chơn Thành; thăm một số cơ sở tôn giáo của thị xã Phước Long.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU,bước đầu đã có sự phối hợp nhịp nhàng và đi vào nề nếp, đã làm chuyển biến nhận thức cho cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nắm tình hình Nhân dân.Việc phân công và phát huy vai trò các lực lượng, cán bộ phụ trách nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm.
Vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ thành lập Tổ công tác nắm tình hình Nhân dân (Quyết định số 1405-QĐ/TU), gọi tắt là Tổ công tác 1405. Việc thành lập Tổ công tác nhằm chủ động nắm tình hình Nhân dân một cách thực chất, hiệu quả, nhất là những vấn đề nóng, cấp thiết, bức xúc, những vấn đề còn tồn tại kéo dài chưa xử lý dứt điểm. Định kỳ hoặc đột xuất Tổ công tác lựa chọn những vấn đề phức tạp, nghiêm trọng (nếu có) hoặc những vấn đề tiềm ẩn những yếu tố nhạy cảm (Dân tộc, tôn giáo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…) để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn đồng thời khảo sát kiểm chứng những kết quả của các địa phương, đơn vị đã báo cáo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn hạn chế như: Việc nắm tình hình Nhân dân và tham mưu, đề xuất giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đã được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa cao, một số địa phương vẫn chưa phản ánh hết tình hình Nhân dân và những vấn đề Nhân dân quan tâm, chưa đề ra được các giải pháp thực chất và hiệu quả để giải quyết triệt để các vấn đề; công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc cụ thể hóa Chỉ thị 22-CT/TU vẫn còn nhiều lúng túng, chưa thực chất. Nội dung, biện pháp chưa cụ thể, phương pháp chưa linh hoạt; chưa phân tích kỹ tình hình Nhân dân; chưa có tính dự báo;chế độ thông tin báo cáo và dự báo tình hình chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác; chất lượng báo cáo còn nặng về lý luận xuông; việc xây dựng kế hoạch nắm tình hình Nhân dân theo định kỳ hằng quý, hằng năm còn chung chung; công tác giao ban nắm tình hình Nhân dân giải quyết các kiến nghị của Nhân dân còn chưa được quan tâm…; các vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị vẫn còn xảy ra,các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” có xu hướng phát triển, diễn biến ngày càng phức tạp; Nhân dân còn bày tỏ sự lo lắng, bức xúc với nhiều vấn đề như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lĩnh vực giao thông, xây dựng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, công tác quy hoạch, vấn đề đời sống việc làm của Nhân dân…
Công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật mà đích đến là làm sao cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống Nhân dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin; từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Thực tiễn cho thấy, để tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng “Dân vận khéo”.
Trước tiên, người cán bộ phải biết “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Việc lắng nghe dân nói thể hiện thái độ tôn trọng dân của cán bộ sẽ tạo cho người dân cảm thấy được tin cậy, động viện họ tích cực suy nghĩ, tham gia đóng góp ý kiến. Ngược lại, người dân sẽ không nhiệt tình góp ý, bàn bạc nếu biết trước người cán bộ chỉ nghe mà không lưu tâm đến ý kiến của họ, không có thái độ tôn trọng họ. Muốn “Dân vận khéo” thì cán bộ phải chú ý dành thời gian để gần dân, tiếp xúc với dân. Gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân là rất cần thiết; nhiều khi nhu cầu, nguyện vọng nảy sinh ở Nhân dân là ý tưởng để hình thành một chủ trương mới, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người cán bộ có thể giữ vị trí là một người nghe bình thường hoặc nghe “ẩn mình”; cách thức lắng nghe này đôi khi rất hiệu quả bởi vì người dân dễ nói thật lòng những mắc mớ, nghi ngờ của họ khi không đối diện với người cán bộ lãnh đạo. Nếu người cán bộ được dân yêu quý, tín nhiệm thì “khoảng cách tâm lý” trong giao tiếp được rút ngắn, người dân thấy không tự ti, ngần ngại khi phát biểu ý kiến, họ sẽ “trải lòng” tất cả tâm tư, suy nghĩ của mình với cán bộ. Qua đó, người cán bộ sẽ nắm được tâm trạng của Nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra những định hướng đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của địa phương.
Thứ hai, trong công tác tuyên tuyền, vận động quần chúng Nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng bằng lời nói và việc làm cụ thể để người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, từ đó tin tưởng và đồng tâm thực hiện. Muốn vậy, người cán bộ phải khéo léo trong quá trình giải thích, chứng minh bằng những quy định trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để làm rõ vấn đề muốn truyền đạt đến Nhân dân là “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”; đồng thời, bằng những lập luận khoa học phải bác bỏ những nhận thức lệch lạc, hành vi sai trái để hình thành và củng cố những nhận thức, niềm tin đúng đắn ở Nhân dân. Trong thực tế, khi tiến hành công tác vận động quần chúng, nhất thiết cán bộ phải xâm nhập vào đời sống của Nhân dân, phải hiểu được phong tục, tập quán của từng vùng, miền, địa phương, phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm, biết vận dụng sáng tạo vào từng hoàn cảnh, trường hợp, đối tượng cụ thể mới vận động, thuyết phục có hiệu quả.
Thứ ba, người cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại với Nhân dân, phân công từng cấp ủy viên về dự sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố, khu dân cư để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương mình và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; quan tâm theo dõi chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc để người dân không phải kiến nghị nhiều lần. Trong thực tế thì đây là cách làm “Dân vận khéo” rất hiệu quả và cũng là cách đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác vận động quần chúng. Vì qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề Nhân dân bức xúc sẽ được giải quyết thỏa đáng; từ đó, tạo niềm tin của Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Thứ tư, cán bộ phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thể hiện đức tính khiêm tốn, niềm nở, lịch thiệp, dũng cảm để người dân mạnh dạn trao đổi, bàn bạc, góp ý khi “khoảng cách tâm lý” giữa cán bộ lãnh đạo và người dân được rút ngắn. Ngược lại, người dân sẽ rất ngại trao đổi với những cán bộ có tính tự cao, tự đại, lạnh lùng, nóng nảy. Cán bộ phải dũng cảm thừa nhận những quyết định sai lầm, không bảo thủ, không bao biện khi thấy mình làm sai, đây cũng là một đức tính của người cán bộ để quần chúng nhân dân thêm yêu quý, mến phục và sẵn lòng đóng góp ý kiến phản biện có tính chất xây dựng mà không e ngại.
Thứ năm, người cán bộ phải có lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, nói phải đi đôi với làm, có uy tín với Nhân dân, thực hiện trách nhiệm nêu gương; sức lay động lan tỏa của gương người tốt, việc tốt trong đời thường, trong lao động sản xuất có ý nghĩa tác động tích cực đến nhiều người làm theo. Vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.