Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm bảo đảm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, thuần túy, thu hút đông đảo tín đồ và quần chúng Nhân dân tham gia, các hoạt động tôn giáo đều tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ của giáo hội; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, giảm nghèo, xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển.
Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có xuất hiện các “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo”, hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 11 “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo” với hơn 213 người tham gia (trong đó, Pháp luân công: 107 người, Ngọc Phật Hồ Chí Minh: 06 người, Thanh Hải Vô thượng sư: 23 người, Pháp môn diệu âm: 09 người, Phật đường huỳnh đạo: 34 người, Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ: 16 người, Nhất quán đạo: 30 người, Đảng hoàng thiên cách mạng thế giới đại đồng: 06 người, Hội tâm linh học: 02 người; “Hội thánh Nhà muôn dân”: 02 người, “Tràng Linh Giác Linh – Con Tàu Định Mệnh”: 01 người,…).
Mặc dù các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo vẫn còn hoạt động nhỏ lẻ, chưa gây ra vụ việc phức tạp, nhưng đã có sự gia tăng về số lượng và quy mô hoạt động, có những hoạt động tiếp cận người dân, tuyên truyền đạo, lôi kéo người dân tin theo bằng các hình thức khác nhau như tán phát tài liệu, sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, TikTok, zalo, YouTube, Messenger,…) gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống tinh thần của một bộ phận người dân.
Từ thực tế hoạt động của các đạo lạ, tà đạo trong thời gian vừa qua, có thể nhận diện các đạo lạ, tà đạo trên một số đặc điểm chủ yếu sau:
Một là, về người đứng đầu luôn tự đề cao, đánh bóng bản thân mình cho rằng bản thân họ là “phật”, “thánh”, “thần”…, nhiều người trước khi tạo dựng đạo lạ, tà đạo còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ ngoài địa bàn tỉnh tuyên truyền phát triển vào địa bàn tỉnh để tạo thanh thế. Các đạo lạ, tà đạo thường sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu, khác với các tôn giáo đã được nhà nước công nhận: đối tượng sùng bái là những bậc thánh hiền, thần thánh hóa lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo được công nhận phát huy được tác dụng hướng thiện, đoàn kết dân tộc, nâng đỡ cuộc sống con người; “đạo lạ”, “tà đạo” thường có tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền của người dân.
Hai là, về lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật”: Chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đã được công nhận, đã hình thành từ lâu, nên có những lời khuyên, điều răn dạy hướng thiện, giúp xoa dịu, an ủi con người về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một số “đạo lạ”, “tà đạo” có nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học như khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc phật”…, trái với quy luật tự nhiên; lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế quần chúng, thao túng, khống chế tâm lý người dân.
Ba là, về mục đích hoạt động: Hầu hết các “đạo lạ”, “tà đạo” đều có chung mục đích là phục vụ lợi ích của người cầm đầu “giáo chủ” (người sáng lập) và một số đối tượng cốt cán, tay chân của họ nhằm thu về kinh tế thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “sắc phong”, “bùa”, bán sách, bài giảng, “thuốc chữa bệnh”... Đáng chú ý, các thế lực thù địch, đối tượng xấu tạo dựng hoặc lợi dụng “đạo lạ”, “tà đạo” như là công cụ để tuyên truyền, tập hợp, thu hút người vào các hoạt động chống chính quyền.
Bốn là, về nghi lễ hành đạo: Mang nặng yếu tố mê muội, cuồng tín, lừa bịp, phản khoa học trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc hay thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc; hủy hoại tài sản, của cải, hủy hoại một phần cơ thể hoặc cả thân xác con người để sớm “siêu thoát”,…
Năm là, về cách hoạt động: thường lén lút, bí mật, thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng sơ hở của pháp luật, trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển “đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở trên các trang mạng xã hội, Internet, hay ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường; lợi dụng địa bàn dân cư trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để dụ dỗ, lừa bịp, khống chế, lôi kéo theo “đạo”. Các đạo lạ, tà đạo thường phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, kênh Youtube để giới thiệu, hướng dẫn mọi người sử dụng điện thoại, máy tính bảng... kết nối Internet vào xem trực tuyến và làm theo hướng dẫn.
Sáu là, về đối tượng tin theo: Những người tin theo các “đạo lạ”, “tà đạo” là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có những đạo lạ, tà đạo do biết khai thác, lợi dụng, tạo vỏ bọc xuyên tạc các sự kiện thực tế (dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa môi trường...) để “khoác áo” cho các “tín điều” nên đã thu hút được những người trẻ tuổi ưa cái mới, kể cả những người có trình độ nhận thức và chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc cán bộ nghỉ hưu, giáo viên,… tiếp tay cho đạo lạ, tà đạo hoạt động.
Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều phải tuân thủ pháp luật; nghiêm cấm bất kỳ ai lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật. Không một tín ngưỡng, tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên luật pháp.