NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC SAU 05 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỤ NỮ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thứ tư - 23/08/2023 03:30 862 0
Trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khoá XII) về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, công tác cán bộ nữ ngày càng được quan tâm. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, vị trí, công tác phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại diện chương trình trao bảng tượng trưng hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh (Nguồn ảnh: Báo Bình Phước)
Đại diện chương trình trao bảng tượng trưng hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh (Nguồn ảnh: Báo Bình Phước)
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, công tác phụ nữ và bình đẳng giới:
Ngay sau khi Ban Bí thư (Khóa XII) ban hành khi Chỉ thị 21-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 108-KH/TU, ngày 05/4/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tỉnh ủy tổ chức triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị đến các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Kết quả, Đảng bộ tỉnh hoàn thành việc học tập, quán triệt chỉ thị đạt tỷ lệ trên 96%. Qua học tập đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và sự đồng thuận trong hành động của các ngành, các cấp, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Giai đoạn 2018 - 2023, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hơn 153 hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, kết quả đạt được về các hoạt động, phong trào của phụ nữ với gần 15 ngàn lượt người tham dự qua đó hướng dẫn tuyên truyền về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh thường xuyên lồng ghép trong sinh hoạt định kỳ, chuyên đề để tuyên truyền, triển khai Chỉ thị sâu rộng trong hội viên, phụ nữ. Kết quả đã triển khai, học tập tuyên truyền được 789 đợt với 48.129 lượt hội viên, phụ nữ tham dự, góp phần nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh; các nhiệm vụ, giải pháp công tác phụ nữ đạt kết quả quan trọng; duy trì tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ nữ định kỳ để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong công tác phụ nữ và tổ chức Hội ở cơ quan, đơn vị, địa phương; các cấp, ngành quan tâm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động; các cấp Hội triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động ngày càng thực chất; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện:
UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, các chiến lược quốc gia, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện tốt; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, Công ước CEDAW (Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ), Luật Bình đẳng giới được phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao nhận thức chung của toàn thể Nhân dân về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.  

Việc xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ vùng cao, vùng sâu biên giới, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề: Trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận nhiều hình thức vay vốn. Các cấp Hội đã thực hiện tốt việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” tại 15 xã biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập . Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động tổng các nguồn lực hỗ trợ cho 15 xã biên giới, hỗ trợ vốn vay cho 2.017 hội viên, phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, phụ nữ di cư với tổng số vốn gần 35 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 209 phụ nữ. Các cấp Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ đơn thân, phụ nữ di cư. Bên cạnh đó, hàng tháng, Hội LHPN tỉnh duy trì chính sách hỗ trợ cho 38 nữ hộ sinh người dân tộc thiểu số, đang làm việc tại các cơ sở trong tỉnh số tiền 300.000đ/tháng.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới:
Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN cùng cấp thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát về các chính sách an sinh xã hộị liên quan đến phụ nữ và trẻ em như cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, tiêm phòng miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, vay vốn đối với hộ nghèo, hỗ trợ và xây dựng nhà tình thương, học nghề và giải quyết việc làm đối với lao động nữ, việc thực hiện bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình,...  Các cấp Hội đã phát huy vai trò trong việc phối hợp ngành Tư pháp để cử cán bộ chuyên môn tham gia với Đoàn Trợ giúp pháp lý lưu động tư vấn và trợ giúp pháp lý tại 119 xã thuộc 09 huyện, thị, tiêu biểu như: Hớn Quản, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú, Chơn Thành, Bình Long, Phước Long như với gần 6 ngàn người tham gia, trong đó, phụ nữ chiếm gần 60%.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội LHPN tỉnh, đã ban hành nhiều kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện các đề án trong hệ thống Hội như Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”; Đề án 1893 “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025”. Đặc biệt, từ năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019 - 2022. Việc ký kết chương trình phối hợp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em nhằm bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đảm bảo nguyên tắc công bằng, nghiêm minh.
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới:
Công tác quy hoạch cán bộ nữ được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Việc tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo được thực hiện thường xuyên và định kỳ, có chú ý tăng tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp, nữ là người dân tộc thiểu số. Số nữ cán bộ, công chức trong nguồn quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh  đạo, quản lý tăng về số lượng, lẫn chất lượng. Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy triển khai công tác quy hoạch cán bộ đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị theo đúng quy trình và đảm bảo đúng quy định theo phân cấp quản lý cán bộ. Công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia HĐND các cấp ngày càng tăng. Các cấp Hội phụ nữ đã chủ động giới thiệu nguồn cán bộ nữ, cán bộ Hội có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy. Phối hợp giới thiệu nguồn cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chức danh lãnh đạo, quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ được xem là việc làm thường xuyên đối với mỗi cấp ủy đảng; nhằm thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống, sự xuyên suốt và hành động thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Từ quan điểm chung đó, các cấp ủy luôn quan tâm đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành. Kết quả đạt được cụ thể như sau:Giai đoạn 2015-2020: Chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn đạt và vượt chỉ tiêu quy định (BCH Đảng bộ tỉnh có 12 nữ /55 đ/c đạt 21,8% trong đó có 12 thạc sỹ nữ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 06/15 cán bộ nữ chiếm 40%, trong đó có 03 thạc sỹ. Cán bộ nữ giữ chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 - ­2020: 94/424 đạt 22,16% (tăng 9,89%). Giai đoạn 2020-2025: BCH Đảng bộ tỉnh đầu nhiệm kỳ có 15 nữ /53 đ/c đạt 28,30%; hiện nay có 14/52 đồng chí nữ đạt 26,93%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đầu nhiệm kỳ có 06 nữ /15 đ/c đạt 40%; hiện nay có 5/14 đồng chí nữ đạt 35,71%. Lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: 08 đồng chí có 04 đ/c nữ. Cán bộ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt và vượt so với quy định (Nữ đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 16,66%; Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh có 16/60 đạt tỷ lệ 26,67%; cấp huyện có 95/265 đạt tỷ lệ 35,8%; cấp xã đạt tỷ lệ 30,15%). Lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: 42 đồng chí có 11 đ/c nữ. Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: 74 đồng chí có 10 đ/c nữ chiếm. Lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập: 19 đồng chí có 02 đ/c nữ.

Công tác phát triển đảng viên nữ được chỉ đạo, triển khai thực hiện có kết quả. Số lượng đảng viên nữ kết nạp hàng năm tăng lên. Từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh kết nạp 3273 đảng viên nữ trên tổng số 7013 đảng viên mới được kết nạp (46,7%). Hiện nay, toàn tỉnh có 14.055 đảng viên nữ trên tổng số 38.658 đảng viên, chiếm 36,36%.

Xây dựng, củng cố, kiện toàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực sự vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ:
Trong 05 năm qua, Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ; tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.

Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo Hội LHPN tỉnh thường xuyên kiện toàn, củng cố nhân sự các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo tiêu chuẩn và số lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội nhằm tập hợp, thu hút phụ nữ dân tộc, tôn giáo, nữ công nhân lao động, các đối tượng phụ nữ khác tham gia tổ chức Hội. Đối với các huyện, thị, thành phố, các cơ sở Hội, bên cạnh việc tăng cường công tác bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp các chi hội khó khăn, còn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia tổ chức Hội; củng cố, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao... Qua đó, góp phần thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Thông qua việc phát động và thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ” (từ năm 2022 đến nay), các cấp Hội đã tổ chức trên 573 hoạt động sôi nổi, tích cực và hiệu quả, với tổng kinh phí vận động khoảng 8 tỷ đồng. 

Trên cơ sở kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị thời gian tới như sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm ,chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; trọng tâm là Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh  công tác phụ nữ trong tình hình mới; gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Cấp ủy các cấp phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, trong đó chú trọng phát triển đảng viên nữ, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng hàng năm.

Hai là, thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trong đó: Tập trung triển khai thực hiện tốt Luật bình đẳng giới; bảo đảm quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: lao động việc làm, giáo dục đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Cần có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cụ thể là chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận khoa học công nghệ, đào tạo nghề, đại học, sau đại học, đào tạo cán bộ khoa học nữ; chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách về nhà ở, việc làm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; chính sách hỗ trợ cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp tập trung của tỉnh. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Phát huy vai trò của HĐND, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò của Hội phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và lao động nữ trong các thành phần kinh tế.

Ba là, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, vị tha gắn với giải quyết việc làm, chăm lo cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình Việt Nam phát triển theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ (khoa học, lãnh đạo, quản lý) đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong công tác cán bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể chú trọng tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bố trí đề bạt cán bộ nữ đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra: Phấn đấu ở tất cả các cấp đều có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo trong cấp ủy đảng, HĐND, UBND; đối với vùng đồng bào dân tộc, phải có cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số.

Năm là, kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, đảm bảo vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Nguồn tin: Phan Thị Thảo - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,862
  • Tháng hiện tại8,221
  • Tổng lượt truy cập1,310,284
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây