Hiệu quả nuôi dê của hội viên phụ nữ xã Lộc An bằng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh
Thứ tư - 26/08/2020 23:285550
Lộc An là một xã biên giới của huyện Lộc Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45% dân số toàn xã. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng điều. Trong những năm gần đây giá các loại cây nông nghiệp trên địa bàn xuống thấp. Các hộ dân bắt đầu chuyển đổi sang chăn nuôi dê. Theo nhiều nông dân, dê là loài ăn tạp, gần như mọi lá cây, cỏ và các loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nên dễ nuôi, lại nhẹ công chăm sóc, ít bệnh tật, chỉ tốn chi phí làm chuồng và giống ban đầu. Vì thế, phong trào nuôi dê những năm gần đây phát triển mạnh. Đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng có thu nhập thấp, ít đất sản xuất tại địa phương.
Những năm qua, nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Lộc An, huyện Lộc Ninh đã làm tốt việc đưa vốn đến đúng đối tượng cần vốn chăn nuôi dê tại địa phương. Nhờ đồng vốn ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dê bằng vốn ưu đãi.
Gia đình chị Thị Kim Minh ở ấp 2, xã Lộc An là một trong những hộ vay điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn của NHCSXH. Năm 2017, thông qua Hội LHPN xã, gia đình chị được bình xét vay vốn 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của NHCSXH huyện. Với số tiền đó, chị đã làm chuồng trại và mua 8 con dê giống Bách Thảo về nuôi. Qua thời gian, đàn dê sinh sản, chị bán dê con giống cho các hộ bắt đầu nuôi dê trên địa bàn xã. Với số tiền thu được, một phần chị sửa chữa nhà cửa, số còn lại chị tiếp tục mở rộng chuồng trại và trồng thêm cỏ để phục vụ chăn nuôi dê. Chỉ tay vào đàn dê trong chuồng, chị Thị Kim Minh tươi cười nói: “Mấy con dê này là tài sản lớn nhất của gia đình tôi. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô với vật nuôi giàu tiềm năng này, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cây keo từ vườn tiêu sẵn có, dê Bách Thảo có đặc điểm sinh sản nhanh và mau lớn”. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp gia đình chị Thị Kim Minh vươn lên thoát nghèo và hiện có nguồn thu ổn định từ bán dê giống, dê thịt mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Giá dê hơi hiện tại ở thị trường khoảng 140.000 đồng/1kg. Giúp cho gia đình chị yên tâm phát triển đàn dê trong thời gian tới. Cũng là một hộ nghèo là hội viên hội phụ nữ, gia đình chị Thị Vinh Kiều dân tộc S’tiêng tại ấp 2, xã Lộc An cũng đã gây dựng được mô hình nuôi dê hiệu quả. Năm 2018, thông qua Hội LHPN xã, gia đình chị được xét vay 30 triệu đồng từ vốn hộ nghèo của NHCSXH huyện Lộc Ninh. Thông qua các buổi tuyên truyền về chăn nuôi của hội LHPN xã. Gia đình chị quyết định đầu tư nuôi 6 con dê giống Bách Thảo. Sau hơn 2 năm gây dựng và mở rộng, hiện tại gia đình chị có 26 con dê lớn nhỏ. Tính ra, với đàn dê hiện tại gia đình chị bán thu về khoảng 40 triệu đồng và còn 6 con dê đang chuẩn bị sinh sản trong tháng 9 năm 2020. Từ số tiền bán dê chị phát triển thêm vườn cây ăn trái gồm mít và sầu riêng, phân của dê chị bón phân cây ăn trái giúp cho cây xanh tốt và ít bị sâu bệnh. Chị còn trở thành tấm gương phụ nữ đồng bào dân tộc vươn lên làm kinh tế giỏi trong xã, nhiều hội viên phụ nữ nghèo trong ấp tìm đến học hỏi kinh nghiệm và hiện nay gia đình chị đã thoát nghèo.
"Thông qua nguồn vốn ưu đãi mà nhiều người dân biết đến Hội LHPN xã hơn và Hội là chỗ dựa tin cậy, là cầu nối vững chắc giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Ngoài vốn chăn nuôi, trồng trọt, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho dân làm công trình vệ sinh, nước sạch, làm nhà, cho con học đại học…”.
Bà Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc An.
Cầu nối vững chắc cho hội viên phụ nữ nghèo tại địa phương
Chúng tôi có dịp trao đổi với chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc An, chị cho biết để thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kiến thức trong các lớp tập huấn về chăn nuôi dê, rất cần áp dụng biện phát kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng dê phải làm thông thoáng cao hơn mặt đất từ 0,5 đến 0,8 mét để dê không bị bệnh và sinh trưởng nhanh. Thời gian qua, nguồn vốn của NHCSXH là kênh cấp tín dụng quan trọng và hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ trong xã xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Đối với một số chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo… đa số bà con đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, trên địa bàn xã Lộc An có nhiều mô hình nuôi dê mang lại nguồn thu nhập ổn định như hội viên Thị Kim Minh và Thị Vinh Kiều do hội LHPN quản lý là những hộ điển hình. Nhận sự ủy thác của NHCSXH huyện Lộc Ninh, Hội LHPN xã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai nguồn vốn vay theo đúng quy trình, xét duyệt hộ vay đúng đối tượng, thời hạn và mức vay. “Để tạo lòng tin và sự an tâm cho người dân, hội LHPN xã phối hợp NHCSXH huyện quản lý chặt chẽ nguồn vốn và hội tham gia bình xét chọn hộ vay một cách minh bạch, công bằng, dân chủ. Để nguồn vốn phát huy tối đa, hội thường xuyên lập các tổ công tác, tổ chức các cán bộ xuống địa phương, hướng dẫn, giới thiệu cho bà con các mô hình kinh tế, khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất” - Chị Lan chia sẻ thêm. Hiện nguồn vốn ủy thác của NHCSXH qua hội LHPN xã Lộc An đã giải ngân cho 245 hộ vay, với tổng dư nợ của 9 chương trình tín dụng là hơn 5 tỷ đồng. Trước khi chia tay chúng tôi chị Lan chia sẽ mong ước của mình: “Tôi hy vọng nguồn vốn cho vay các chương trình từ NHCSXH được nâng lên, để hội viên phụ nữ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiên tại, với mức vay các chương trình từ NHCSXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của Phụ nữ chúng tôi, có như vậy công tác giảm nghèo sẽ có hiệu quả hơn và góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn như hiện nay” Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Lộc Ninh cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục đồng hành với các cấp của Hội LHPN huyện trong công tác ủy thác cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó NHCSXH và hội LHPN các cấp trong huyện luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, lồng ghép nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, nâng cao chất lượng tín dụng, mức vay, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.