Ông Hồ Viết Trung, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước không chỉ giỏi trong công tác lãnh đạo mà còn có nhiều việc làm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo.
Không muốn nói đến những việc mình đã làm, ông Trung đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình trong xã được ông hỗ trợ cây giống, vật nuôi. Như hộ ông Tống Viết Lỡ ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng trước đây thuộc diện nghèo nhất xã. Tài sản duy nhất ngoài 200m2 đất cất cái chòi ở tạm thì hầu như không còn thứ gì khác. Thấy hoàn cảnh ông Lỡ không có tiền làm nhà ở, ông Trung đi vận động quyên góp xây tặng căn nhà tình thương và còn giúp 30 triệu đồng để chăn nuôi dê, đến nay số dê của gia đình ông Lỡ đã tăng lên hàng chục con.
Với ông Nguyễn Văn Giai thì niềm vui còn nhân gấp bội. Quê ở Bến Tre, sau thời gian phục vụ trong quân đội, ông Giai đưa vợ con lên Bình Phước lập nghiệp. Đến xã Long Bình, không có tiền xây nhà, không có đất canh tác, ông nhận giữ rẫy thuê kiếm sống qua ngày. Để giúp gia đình ông Giai an cư, ông Hồ Viết Trung trực tiếp đi vận động, quyên góp xây tặng gia đình ông căn nhà. Nhận thấy gia đình ông Giai có nghề bó chổi cọng lá dừa, ông Trung giúp đỡ vốn mở cơ sở bó chổi. Không những gia đình ông Giai có thu nhập ổn định mà cơ sơ bó chổi của ông đã tạo việc làm cho 6 lao động khó khăn tại địa phương.
Trong 8 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin huyện Phú Riềng, bản thân ông Trung luôn trăn trở để tìm nguồn hỗ trợ các nạn nhân da cam trong huyện. Hằng năm, ông lặn lội đi vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ nạn nhân da cam. Chỉ tính trong năm 2023, ông đã vận động được trên 600 phần quà trị giá hàng trăm triệu đồng tặng nạn nhân. Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc Da cam huyện Phú Riềng đã vận động các tổ chức, cá nhân xây tặng 11 căn nhà tình nghĩa (trị giá từ 50 triệu - 100 triệu đồng/căn), sửa chữa 3 căn nhà của nạn nhân bị giông lốc làm tróc mái hư hỏng nặng, trị giá 78 triệu đồng. Xây tặng 13 công trình vệ sinh và nước sạch, trị giá 560 triệu đồng cho 6 nạn nhân da cam và 1 hộ nghèo. Giúp vốn chăn nuôi bò sinh sản 7 con trị giá 140 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Trợ cấp khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà thăm hỏi nạn nhân các dịp lễ, tết, ngày thảm họa da cam (10/8)… số tiền hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Hồ Viết Trung cùng Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin huyện Phú Riềng đã tổ chức làm tốt công tác khảo sát số người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, số người đang mắc các bệnh tật, qua đó đề nghị, giới thiệu trung tâm y tế huyện tổ chức khám sàng lọc, chữa bệnh, kết hợp vận động các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm tặng 30 xe lăn, trị giá 120 triệu đồng… “Để xoa dịu phần nào những vết thương không chảy máu, nhưng lại đau đớn cho bản thân, gia đình nạn nhân, chúng tôi nguyện làm hết sức mình tất cả Vì nạn nhân chất độc da cam, ngoài ra hội còn tổ chức tặng học bổng học sinh của nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp gạo và tiền ăn hàng tháng cho các nạn nhân ốm đau, nghèo khó… Tính chung trong 8 năm qua, hội đã vận động xây nhà, sửa nhà ở, hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, dê và chăm sóc vườn điều, xây tặng các công trình vệ sinh, công trình nước sạch, tặng quà thăm hỏi ốm đau, phúng viếng nạn nhân qua đời…, tổng trị giá trên 3 tỷ 500 triệu đồng. Để có những kết quả đó, trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các doanh nghiệp, cá nhân đã luôn đồng hành giúp đỡ nạn nhân, như bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến hạt điều Ánh Phượng, Hoàng Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến mủ cao su Linh Hương, xã Long Hưng, Lê Thị Bình, Đào Thị Loan, xã Long Bình, ông Bùi Quang Tuyên, Nguyễn Đăng Bảy, xã Bù Nho (huyện Phú Riềng) và nhiều nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, hội chúng tôi đã có nhiều nạn nhân là tấm gương điển hình vươn lên bệnh tật, làm ăn giỏi giúp mình giúp đỡ người khác, như Đỗ Minh Thư, Lê Bá Phán, Trần Xuân Dần, Phạm Ngọc Tuy, Lê Văn Hồng…”, ông Hồ Viết Trung chia sẻ.
Đã qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Trung vẫn nhiệt tình chịu khó với công tác hội. Ông thường hy sinh thời gian bên gia đình, con cháu mà luôn gần gũi với các nạn nhân da cam. Nhìn ông mái tóc bạc trắng, khuôn mặt rám nắng loáng thoáng mồ hôi mỗi khi làm việc, hay đi vận động nhân đạo…, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Với ông Trung, niềm vui và công việc luôn đều ở nạn nhân chất độc da cam. Ông là một tấm gương sáng luôn tâm huyết, nghĩa tình trong công tác - xoa dịu những vết thương không chảy máu!