Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm công tác dân vận của chính quyền

Thứ ba - 08/09/2020 09:09 655 0
Chúng ta biết rằng, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Bộ phận một cửa xã Tân Thành- Đồng Xoài giải quyết thủ tục hành chính cho người dân- Ảnh Báo Bình Phước Online
Bộ phận một cửa xã Tân Thành- Đồng Xoài giải quyết thủ tục hành chính cho người dân- Ảnh Báo Bình Phước Online
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác dân vận, thường  xuyên quán triệt và thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, đặc biệt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm công tác dân vận đã được quy định cụ thể là:
1- Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn khác; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
3- Thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân và chế độ tiếp dân định kỳ; nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân về công tác quản lý, điều hành, về thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân.
4- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Phối hợp với ban dân vận của cấp ủy cùng cấp chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận của chính quyền.
5- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quy hoạch và những chương trình, dự án lớn của địa phương. Thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến của mặt trận và các đoàn thể phản ánh, kiến nghị với chính quyền những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Định kỳ sáu tháng, một năm, chính quyền có chương trình làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp.
6- Ban hành các quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức chính quyền trong thi hành công vụ, tiếp xúc, giải quyết công việc với dân có thái độ chân thành, tôn trọng dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân; gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân trong thi hành công vụ.
7- Bảo đảm kinh phí hoạt động và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, quan tâm giải quyết chính sách cán bộ của khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đối với trách nhiệm của các sở, ngành: Phải có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận trong hệ thống sở, ngành mình; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; Thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị; giáo dục cán bộ, công chức nghiêm chỉnh thực hiện đạo đức công vụ, nêu cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Phối hợp với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện công tác dân vận.
Ngoài ra, chính quyền có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin, báo cáo: Định kỳ hằng tháng, ba tháng, sáu tháng, chín tháng và một năm, chính quyền báo cáo kết quả công tác dân vận chính quyền với cấp ủy cùng cấp, đồng gửi ban dân vận của cấp ủy để tổng hợp, theo dõi. Đồng thời chính quyền các cấp phân công đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách công tác dân vận của chính quyền và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền các cấp phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận.

Nguồn tin: Lê Toàn (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây