Phương pháp phân loại hiện tượng tôn giáo mới hiện nay

Thứ hai - 16/11/2020 02:22 2.522 0
Hiện nay có nhiều hiện tượng tôn giáo mới (thường được gọi là đạo lạ, tà đạo) đang hoạt động, việc xác định được đặc điểm của hiện tượng tôn giáo mới là một cơ sở quan trọng để nhận diện, phân loại hiện tượng tôn giáo mới, trên cơ sở đó xây dựng được phương pháp ứng xử với các hiện tượng tôn giáo mới cho phù hợp.
Ảnh nguồn internet: Hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”
Ảnh nguồn internet: Hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”
Phân loại các hiện tượng tôn giáo mới là một nội dung quan trọng nhằm xác định được giải pháp cho từng loại, nhưng việc phân loại dựa trên những căn cứ nào là một vấn đề cần được xác định, từ đó việc đánh giá, phân loại mới đảm bảo tính khách quan, đúng đắn và phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, về cơ sở lý luận: căn cứ vào lý thuyết, tư tưởng của các hiện tượng tôn giáo mới; vào mối quan hệ giữa tư tưởng của hiện tượng tôn giáo mới và giáo lý của các tôn giáo truyền thống mà tôn giáo mới tiếp thu.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn: căn cứ vào phương thức hoạt động và mục đích của các hiện tượng tôn giáo mới; ảnh hưởng của các tôn giáo mới đối với kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự; thái độ của các tôn giáo truyền thống và các tầng lớp nhân dân đối với các hiện tượng tôn giáo mới hiện nay.

Để nhận biết được các hiện tượng tôn giáo mới (đạo lạ, tà đạo) hiện nay thì tiến hành phân loại như sau:
Theo cách phân loại thứ nhất (căn cứ vào nguồn gốc hình thành, nội dung, giáo lý):

Loại hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ một tôn giáo lớn (chủ yếu là Phật giáo) bao gồm: Long hoa Di lặc, Chân không, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Tiên thiên đại đạo, Đạo Thiên cơ, Phật mẫu địa cầu, Chân tu tâm kinh, Chân tâm bảo vệ di tích, Tiên Phật nhất giáo, Đạo nghiệp chướng, Thông thiên vận hội.
Loại hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian gồm có: Đạo Trần Hưng Đạo, Lạc Hồng Âu cơ, Đạo tiên, Hội Phật Mẫu, Đạo Bác Hồ, Quốc Tổ Lạc Hồng,…

Loại hiện tượng tôn giáo mới hỗn dung tư tưởng giáo lý của các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác. Loại này hàm chứa hai loại đã nêu ở trên phản ánh cái trụ cột trong tâm thức tôn giáo đa thần của người Việt mà nền tảng của nó là hệ tư tưởng tam giáo đồng nguyên (Phật, Đạo, Nho), điển hình có: Long hoa Di lặc, Đức Mẹ tiên nga cứu thế, Ngọc Phật Hồ Chí Minh,…

Loại hiện tượng tôn giáo mới từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, bao gồm: Thanh Hải vô thượng sư, Tam tổ Thánh hiền, Nhất quán đạo (từ Đài loan), Pháp Luân công (từ Trung Quốc).

Với cách phân loại trên (căn cứ vào nguồn gốc và nội dung giáo lý) nhằm nhận diện đầy đủ hơn về các hiện tượng tôn giáo mới như: làm rõ được hình thức và hệ lý thuyết của từng loại hiện tượng tôn giáo mới; thấy được sự đan xen, giao thoa các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong các loại hình hiện tượng tôn giáo mới; khẳng định được không có loại hình hiện tượng tôn giáo mới mang tính độc tôn và loại hình hiện tượng tôn giáo mới mới xuất hiện mà không có sự tiếp thu tư tưởng của các loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống; làm rõ được loại hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện ở trong nước và loại hiện tượng tôn giáo mới từ nước ngoài xâm nhập vào.

Phân loại các hiện tượng tôn giáo mới theo nội dung, giáo lý và nguồn gốc còn là sự giải thích đầy đủ hơn đặc điểm của các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta, đồng thời là cơ sở để phân loại theo tính chất hoạt động nhằm xác định nguyên nhân xuất hiện và giải pháp đối với từng loại hình hiện tượng tôn giáo mới.
Theo cách phân loại thứ hai (phân loại theo tính chất hoạt động):

Đây là cách phân loại cơ bản nhất, có ý nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn nhằm hiểu chính xác thực chất mỗi loại hình hiện tượng tôn giáo mới. Phân loại theo tính chất hoạt động là cơ sở quan trọng để xây dựng được giải pháp chung cũng như giải pháp cụ thể đối với loại hình hiện tượng tôn giáo mới đang hoạt động hiện nay, cụ thể có 04 loại sau:

Loại hiện tượng tôn giáo mới có màu sắc chính trị tiêu cực, nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhân phẩm, sức khỏe con người, gồm có: Đạo Chân không, Thanh Hải vô thượng sư, Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ,…

Loại hiện tượng tôn giáo mới hàm chứa những yếu tố mê tín dị đoan, gây mất đoàn kết tại cộng đồng dân cư, gồm có: Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Long Hoa Di lặc, đạo Thiên cơ,…

Loại hiện tượng tôn giáo mới mang tính hỗn dung, kế thừa một số giá trị của tôn giáo truyền thống, gồm: đạo “Bác Hồ”, Hội Phật Mẫu,…

Loại khác gồm có 2 loại điển hình: Nhất quán đạo, Thiền Vô vi,…

Tuy vậy, sự phân loại chỉ là tương đối vì các hiện tượng tôn giáo mới đều có những điểm chung, song mỗi hiện tượng tôn giáo mới đều có những đặc điểm riêng được thể hiện trong quá trình hoạt động của nó và không đứng ngoài 4 loại hiện tượng tôn giáo mới trên. Phân loại hiện tượng tôn giáo mới là phương pháp cơ bản để xây dựng hệ giải pháp, trong đó phân loại theo tính chất hoạt động là phương pháp phân loại có cơ sở thực tiễn vững chắc hơn cả nhằm nhận diện đúng hơn về các hiện tượng tôn giáo mới.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay2,310
  • Tháng hiện tại79,765
  • Tổng lượt truy cập1,257,754
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây