Cơ cấu tổ chức Giáo hội cơ sở của đạo Công giáo hiện nay

Thứ tư - 21/10/2020 23:25 5.427 0
Cơ cấu tổ chức Giáo hội cơ sở của đạo Công giáo đứng đầu là một linh mục chính xứ do giám mục giáo phận bổ nhiệm và dưới quyền giám mục giáo phận. Trong điều kiện thiếu linh mục thì một linh mục cai quản nhiều giáo xứ; trong trường hợp nhiều linh mục thì một linh mục có thể coi sóc một giáo xứ, hoặc nhiều giáo họ.

Linh mục chính xứ có các quyền thực hiện các phép bí tích cho giáo dân trong giáo xứ (trừ hai bí tích thêm sức và truyền chức thành); lập và lưu giữ các sổ rửa tội, sổ hôn phối, sổ tử và các sổ khác để báo cáo thường kỳ cho giám mục; cử hành các nghi lễ tôn giáo ngày chủ nhật và những ngày lễ buộc, cử hành nghi lễ an táng cho giáo dân qua đời trong giáo xứ. Linh mục chính xứ được hưởng thù lao theo quy định của giám mục giáo phận, giữ của dâng cúng với ý nguyện rõ ràng dành cho linh mục, có quyền vắng mặt đi nghỉ mỗi năm một tháng. Trợ giúp linh mục chính xứ có linh mục phó xứ và phó tế.

Linh mục phó xứ là người cộng tác dưới quyền linh mục chính xứ, cùng lo, cùng đồng hành, cùng nỗ lực và cùng chịu trách nhiệm với linh mục chính xứ. Linh mục phó xứ phải báo cáo với linh mục chính xứ về chương trình mục vụ đang và sẽ làm, có quyền thay thế linh mục chính xứ trong trường hợp luật định, có quyền cư ngụ trong giáo xứ và nghỉ ngơi tối đa một tháng trong một năm.

Phó tế làm việc tại giáo xứ cộng tác với linh mục chính xứ, có vai trò riêng trong hoạt động mục vụ thánh lễ, trong công việc bác ái, giảng dạy; khi vắng linh mục chính xứ, phó tế có quyền chủ lễ trong cộng đoàn giáo xứ ngày chủ nhật.

Hội đồng mục vụ giáo xứ, Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo,… là những tên gọi khác nhau, nhưng đều chỉ một tổ chức chung trong Ban tổ chức giáo hội cơ sở cấp giáo xứ. Ngay từ những ngày đầu thành lập các giáo xứ đã hình thành một Tổ chức tự quản của giáo dân được gọi là “hàng xứ”, sau này đổi tên là Ban hành giáo xứ. Từ năm 2002 các tổng giáo phận lần lượt xây dựng và công bố quy chế hoạt động của Hội đồng mục vụ giáo xứ. Đến nay hầu hết các Ban hành giáo xứ đã được đổi thành Hội đồng giáo xứ, hoặc Hội đồng mục vụ giáo xứ.

Theo quy chế, Hội đồng mục vụ giáo xứ là một tổ chức gồm những giáo dân được tuyển chọn, giúp linh mục xứ điều hành giáo xứ, tuy nhiên mang tính cách cố vấn như giáo luật quy định dưới sự hướng dẫn của linh mục chính xứ. Hội đồng giáo xứ họp hai tháng một lần để bàn bạc góp ý và thông qua các sinh hoạt chung như tình hình giáo xứ, họp bất thường khi linh mục chính xứ triệu tập và Đại hội mỗi năm một lần, nhiệm kỳ của Hội đồng mục vụ giáo xứ là 4 năm.
Nhiệm vụ tổng quát của Hội đồng mục vụ giáo xứ:

Một là, cộng tác điều hành công việc của giáo xứ dưới sự hướng dẫn của linh mục chính xứ.

Hai là, nắm bắt tình hình của giáo xứ về mọi mặt, nhất là về đời sống đức tin. Phân tích tình hình để cùng với linh mục chính xứ xác định những ưu tiên mục vụ và đưa ra những chương trình hoạt động của giáo xứ.

Ba là, điều phối các chương trình và sinh hoạt mục vụ của giáo xứ và các đoàn thể hiện có trong giáo xứ.

Bốn là, đôn đốc mọi người tham gia vào công việc chung của giáo xứ để kịp thời sửa chữa và bổ sung.

Năm là, cộng tác với Hội động giáo xứ khác và các ban, ngành của giáo phận.

Sáu là, đóng góp vào việc hoạch định các mục tiêu và chương trình của giáo phận.

Cơ cấu của Hội đồng mục vụ giáo xứ:

1. Ban Thường vụ, thành phần gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nội vụ (các đoàn thể), Phó Chủ tịch Ngoại vụ (truyền giáo – bác ái), Thư ký, Thủ quỹ. Ban Thường vụ họp mỗi tháng một lần và họp bất thường khi linh mục chính xứ triệu tập.

2. Ủy ban đặc trách mục vụ giáo xứ bao gồm: Ban Phụng vụ, Thánh nhạc; Ban Giáo dục và Giáo lý; Ban Truyền giáo và Đoàn thể; Ban Giới trẻ và Thiếu nhi.

Hội đồng mục vụ giáo xứ là một cơ cấu độc đáo chỉ có ở Việt Nam, manh nha hình thành từ hệ thống trùm – trương có từ thời kỳ đầu khi đạo Công giáo mới truyền vào Việt Nam. Tổ chức này ngày càng được Giáo hội chú trọng củng cố xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động.

Như vậy, tổ chức giáo hội cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành, giữ và phát triển đức tin của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, được Giáo hội quan tâm củng cố cả về tổ chức lẫn hoạt động. Giáo hội cơ sở là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo của giáo dân, là nơi thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo quyền và giáo dân.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay3,899
  • Tháng hiện tại107,918
  • Tổng lượt truy cập1,285,907
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây