Một số kết quả trong công tác dân vận chính quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2023.

Thứ ba - 28/11/2023 18:19 194 0
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân vận chính quyền, ngay từ đầu năm 2023, Sở đã ban hành Kế hoạch số 374/KH-STNMT ngày 23/02/2023 về thực hiện công tác Dân vận năm 2023. Trong đó đã cụ thể các nhiệm vụ về công tác dân vận phù hợp với nhiệm vụ của ngành và tình hình thực tế tại đơn vị; tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh. Thông qua việc phổ biến các văn bản về công tác dân vận đã giúp cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động nhận thức và nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Hướng chủ trì Hội nghị giao ban định kỳ  của Sở Tài nguyên và môi trường
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Hướng chủ trì Hội nghị giao ban định kỳ của Sở Tài nguyên và môi trường
Thực hiện chức năng của mình, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất và chuyển đổi hình thức sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật. Cụ thể năm 2023, tham mưu thu hồi đất của 15 tổ chức với tổng diện tích 81,68 ha; cho 11 tổ chức thuê đất với tổng diện tích 436,55 ha; giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 41 tổ chức với tổng diện tích 89,39 ha. Tính đến thời điểm hiện nay, kết quả đăng ký đất đai, cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (lần đầu) đã cấp được 440.822 GCNQSD đất, với tổng diện tích đã cấp là 593.674,3 ha, đạt tỉ lệ 97,8 % trên tổng diện tích cần cấp giấy chứng nhận.

Đối với Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 16/4/2021, Sở đã tổ chức họp góp ý thiết kế kỹ thuật, dự toán, xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tham mưu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2022. Trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh năm 2023; giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá khởi điểm để đấu giá 01 dự án; phương án giá đất cụ thể làm cơ sở bồi thường 03 dự án; giá đất cụ thể làm cơ sở tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 14 dự án; phương án bồi thường, hỗ trợ 10 dự án.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lắp đặt và đưa vào vận hành 02 hệ thống máy chủ nhận, truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục; 22 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục (gồm: 08 trạm của KCN và 14 trạm của cơ sở sản xuất); 17 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục của doanh nghiệp được lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, Sở cũng đã lắp đặt 03 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh. Thực hiện chương trình quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng các thành phần môi trường năm 2023 trên địa bàn tỉnh gồm: môi trường đất (tần suất 2 lần/năm), môi trường không khí (tần suất 6 lần/năm tại 71 điểm), nước mặt (tần suất 6 lần/năm tại 1 điểm) và nước dưới đất (tần suất 4 lần/năm tại 106 điểm). 

Bên cạnh đó, Sở đã yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phải lắp đặt hệ thống và truyền dẫn số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát việc xả thải. Đến nay, đã có 39 trạm quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải được lắp đặt và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường; 175 dự án thuộc đối tượng đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; 61 dự án đã được cấp Giấy phép môi trường.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt trên 90% tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; 65% tại các khu vực nông thôn. Đối với chất thải rắn công nghiệp và nguy hại phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, phân loại và tái sử dụng để làm nguyên, nhiên liệu sản xuất, phân bón cho cây trồng hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý theo quy định. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND về phát triển các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch đến năm 2030 xây dựng 05 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung cho các địa phương của tỉnh nhằm đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Sở đã ban hành Công văn số 222/STNMT-VP ngày 09/02/2023 về việc tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2023; thực hiện niêm yết công khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường; quy chế tiếp công dân…..Qua đó, toàn thể công chức, viên chức và người lao động đã chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nội quy, quy chế cơ quan; có thái độ tận tụy, nghiêm túc, hướng dẫn tận tình cho người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ công tác.

Đối với công tác dân vận chính quyền gắn với cải cách hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-STNMT ngày 13/01/2023 về việc cải cách hành chính nhà nước năm 2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch số 313/KH-STNMT ngày 17/02/2023 về việc truyền thông hỗ trợ hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2023. Thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 23/QĐ-STNMT ngày 12/6/2023. Trong năm 2023, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 09/5/2023 về sửa đổi, bổ sung Bộ thủ tục hành chính; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của ngành Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong năm, Sở đã tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân (theo số liệu trên Cổng dịch vụ công của tỉnh), cụ thể: Cấp tỉnh: đã tiếp nhận: 1018 hồ sơ; đã giải quyết 844 hồ sơ, trong đó: 774 hồ sơ trước và đúng hạn chiếm tỷ lệ 91,71%, 70 hồ sơ trễ hạn chiếm 8,29%; 174 hồ sơ đang giải quyết. Đối với lĩnh vực đất đai ở cấp huyện: đã tiếp nhận: 151.204 hồ sơ, đã giải quyết được 139.577 hồ sơ (giải quyết trước và đúng hạn 138.573 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 99,28%; giải quyết trễ hạn 1.004 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,72%), đang giải quyết 11.627 hồ sơ (trong hạn 11.603 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 99,79%; trễ hạn 24 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,21%).

Ngoài ra, Sở đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) cho người dân; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải. Phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương; công tác kiểm tra, đánh giá về môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhằm duy trì, nâng cao các kết quả đã đạt được đối với môi trường nông thôn. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các dự thảo Luật đất đai Sửa đổi, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, đất đai và các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành. Thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về lĩnh vực tài nguyên và môi trường để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây