Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ sáu - 25/11/2022 21:42 328 0
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng to lớn, thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm, đời sống tinh thần vật chất của Nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được tăng cường, khuyến khích người dân vươn lên làm giàu chính đáng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 7 năm 2022 Nguồn ảnh: Bình Phước Online
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 7 năm 2022 Nguồn ảnh: Bình Phước Online
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Được thể hiện rõ nét ở một số nội dung sau:

- Cụ thể hóa các cơ chế nhằm phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện: cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện công khai cho Nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuyên truyền Pháp lệnh thực hiện dân chủ xuống các ấp, khu phố bằng nhiều hình thức như: sinh hoạt hội viên, đoàn viên, họp dân, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, niêm yết tại nhà văn hóa cộng đồng, hội trường ấp, khu phố... Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đến nay việc thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động ở địa phương đã được Nhân dân tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả. Những việc Nhân dân bàn và quyết định đều bảo đảm tính dân chủ như: việc đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, Ban tiếp dân ở các xã, phường, thị trấn luôn nâng cao chất lượng làm việc, có lịch tiếp dân cụ thể và phân công cán bộ trực tiếp dân để tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân, chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc tổ chức công khai cho Nhân dân biết 11 nội dung phải công khai theo quy định của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11 đã được cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, phát huy dân chủ, bảo đảm đúng hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN, ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Việc xây dựng và bổ sung quy ước ở khu dân cư được triển khai, thực hiện đúng quy trình theo Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN và đã phát huy hiệu quả, các khu dân cư đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy ước, hương ước cho phù hợp với pháp luật, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát KT- XH của địa phương.

- Nhiệm vụ phục vụ nhân dân của các cơ quan nhà nước: Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ trên các các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Cụ thể: tăng cường tuyên truyền, quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trên địa bàn huyện thực hiện thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Số lượng dịch vụ công trực tuyến được rà soát thường xuyên, xem xét mức độ phù hợp và tỷ lệ phát sinh hồ sơ cập nhật để đề xuất UBND tỉnh đưa vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai minh bạch thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách, thủ tục hành chính... trên trang thông tin điện tử huyện, tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ thông tin pháp lý cũng như chính sách của địa phương.

Chỉ đạo xây dựng quy chế tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Qua công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, cấp huyện và cấp xã, khi tiếp nhận kiến nghị của công dân đã cử cán bộ tiếp dân, nghiên cứu nội dung phản ánh, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại trực tiếp với người kiến nghị, giải thích cho công dân hiểu được chính sách, pháp luật của Nhà nước và giải quyết kịp thời kiến nghị của công dân. Công tác đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm, chỉ đạo kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt công tác đối thoại với Nhân dân, làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở.

- Tạo cơ chế và các điều kiện đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp nhận phản ánh, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử:  hàng năm, UB. MTTQ VN và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát theo tinh thần quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ chính trị (khóa XI) trình cấp ủy phê duyệt và tổ chức giám sát. Bên cạnh đó hướng dẫn “Xây dựng mô hình giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư và nơi cư trú” theo Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 và Quy định số 124- QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng”. Việc giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên còn thực hiện thông qua việc gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị, đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ở cơ sở, việc giám sát còn được thực hiện thông qua Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát cộng đồng.

Thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, với sự tích cực, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đã góp phần hạn chế các vụ việc công dân khiếu nại kéo dài, giảm đáng kể các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh; chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên. Nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài việc tiếp dân theo định kỳ, khi trên địa bàn phát sinh các vụ việc khiếu nại phức tạp cần phải giải quyết, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã trực tiếp đến tận nơi để đối thoại với người dân, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến liên quan đến những vấn đề người dân quan tâm, qua đó tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân đồng thuận, hạn chế tối đa việc kiến nghị, khiếu nại tố cáo vượt cấp.

- Các hình thức để nhân dân tham gia ý kiến vào những vấn đề quan trọng của địa phương: thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị đã bám sát quy định của pháp luật để cụ thể hóa, xây dựng các quy chế, quy định trong quản lý, điều hành, đảm bảo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. UBND cấp xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai cho Nhân dân biết những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp với Nhân dân và địa phương. Tạo điều kiện để Nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về các chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng cho địa phương, giúp dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

- Công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp: phát huy dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiến hành rà soát, thống kê trình độ cán bộ ở từng ngành, lĩnh vực; đánh giá và dự báo nhu cầu đào tạo có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị  nội bộ; chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác điều hành của các cấp chính quyền, trong những năm qua hệ thống chính trị ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng được nâng cao, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tiếp tục đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên tổ chức có hiệu quả việc đối thoại với Nhân dân. Mặt trận, các đoàn thể và hội quần chúng đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở; phát huy tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội được kiện toàn, củng cố giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh được triển khai thực hiện đi vào nền nếp và từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thực sự lan tỏa trên mọi mặt đời sống xã hội, đã thu hút, tập hợp, động viên, khích lệ sự tham gia, cống hiến của các tầng lớp Nhân dân góp phần xây dựng sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn tin: Đoàn Tứ - BDV Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây