Dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh luôn gắn với thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống. Được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các nội dung của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH, các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước gắn với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Những nội dung cụ thể theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều đợt tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến hoặc thông qua đầu mối là Bí thư Chi bộ, ban ấp, khu phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước khi diễn ra các đợt tiếp xúc đều tuyên truyền trên Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo các thôn, ấp, khu phố thông báo rộng rãi cho cử tri tham dự.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng, tập huấn nâng dần chất lượng hoạt động, tập trung vào một số nội dung giám sát cụ thể như: giám sát thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn; các dự án đầu tư ở cộng đồng; việc thu các loại phí, lệ phí; việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách địa phương; công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xây dựng chương trình nông thôn mới, xây dựng nhà tình thương... kết quả: Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát được tổ chức 410 cuộc giám sát, kiến nghị 52 nội dung, vụ việc, kết quả có 47 vụ việc đã được giải quyết; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát được 493 cuộc, kiến nghị 79 nội dung, vụ việc, các ngành chức năng đã xem xét giải quyết xong 79 nội dung, vụ việc. Chính quyền xã, phường, thị trấn tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ 83,6%; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được nâng cao nhất đạt 100%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư trang bị đến tận cấp xã; tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt 90%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã. Từ đó đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho nhân dân; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp xúc và giải quyết công việc.
Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động do dịch bệnh Covid-19. Công tác đảm bảo an sinh, xã hội và chăm lo cho đối tượng chính sách, hỗ trợ người nghèo luôn được quan tâm thực hiện tốt, góp phần ổn định đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách phối hợp với Chính quyền cùng cấp đã đưa ra dân bình xét, hỗ trợ giúp đỡ xây nhà đại đoàn kết cho 826 hộ nghèo khó khăn về nhà ở trị giá trên 46,5 tỷ đồng; sửa chữa 47 căn trị giá 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ, giúp đỡ 2.775 hộ nghèo với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng; giúp đỡ cho người nghèo 4072 con giống (bò, dê, lợn, gia cầm các loại); Trong năm 2022 tỉnh đã triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tổng số người lao động đã được hỗ trợ là 168.951 người; 2.181 đơn vị đã nhận được gói hỗ trợ về giảm mức đóng bảo hiểm và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với tổng số tiền hỗ trợ 343 tỷ đồng. Hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ với kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho 77.469 lượt lao động của 520 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hỗ trợ là 43 tỷ 109 triệu đồng.
Dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đều công khai các nội dung theo quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, tích cực triển khai các văn bản pháp luật liên quan, gắn với thực hiện Luật cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, quy chuẩn đạo đức và nội quy, quy chế của cơ quan. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; trong công tác cán bộ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy trình, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đều được công khai minh bạch; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. Về công tác cải cách hành chính: Tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay tỉnh Bình Phước có 1.432 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 02/63 tỉnh thành phố). Bình Phước xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức 3, mức 4; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, cấp huyện có phát sinh giao dịch thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tiếp nhận TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh của 20 sở, ban, ngành (đạt 98%), trong đó có 14/20 sở, ban, ngành đưa 100% TTHC ra tiếp nhận tại Trung tâm 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn có Bộ phận một cửa, các TTHC cấp huyện và cấp xã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và được niêm yết công khai theo quy định.
Về công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo trong năm 2022, đã thực hiện 42 Đoàn thanh tra, Tổ kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, số đơn vị được thanh tra là 133 đơn vị; đã ban hành kết luận thanh tra là 21 cuộc. Kết quả xử lý hành chính đối với 18 tổ chức, 18 cá nhân; thu hồi về ngân sách nhà nước với số tiền hơn 9,8 tỷ đồng. Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành là 595 cuộc, với các lĩnh vực về giao thông, quản lý thị trường, y tế, nông nghiệp, nước thải, giấy phép xây dựng… Qua thanh tra, kiểm tra có 147 tổ chức và 446 cá nhân vi phạm. Số tiền vi phạm về kinh tế đã thu hồi 1,7 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu 5,7 tỷ đồng; có 88/147 tổ chức, 30/446 cá nhân đã thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, toàn ngành đã tiếp 4.354 lượt, số người được tiếp là 2.780 người, với 2.452 vụ việc.
Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Việc thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng Quy chế làm việc, ban hành các nội quy, quy định hướng tới công khai, dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động. Các doanh nghiệp đã bám sát quy định về nội dung, quy trình để tổ chức hội nghị, linh động trong hình thức tổ chức phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Những nội dung phải công khai của doanh nghiệp, tổ chức:Tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, liên kết đầu tư phát triển mới, định mức khoán sản phẩm, tiền lương, tiền thưởng, quỹ phúc lợi tập thể, BHYT, BHXH, bảo hộ lao động, chế độ bồi dưỡng độc hại, làm việc ngoài giờ được người sử dụng lao động quan tâm, bổ sung sửa đổi hàng năm, công khai trong đại hội công nhân, viên chức, người lao động, từ tổ, đội sản xuất, nông trường, trạm, trại đến toàn doanh là tổ chức đại diện, chỗ dựa không thể thiếu cho công nhân lao động trong việc ký kết thỏa ước lao động hàng năm, chỉ đạo củng cố Ban Thanh tra nhân dân hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội công nhân, viên chức, người lao động; nhiều doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại trực tiếp với công nhân lao động tại đơn vị cơ sở trực thuộc như: Nông trường, trạm, trại để lắng nghe ý kiến góp ý của công nhân lao động trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023, như sau:
Một là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến “Luật dân chủ cơ sở” mới ban hành có hiệu lực năm 2023; trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung của dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đến người dân. Cụ thể hóa các nội dung của Luật gắn với nội dung của Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” triển khai thực hiện trên địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân dân tạo sự chuyển biến nhanh trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, chương trình thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các phong trào thi đua yêu nước nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội” và “quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Đẩy mạnh các hoạt động tập hợp quần chúng, phát triển và quản lý đoàn viên, hội viên; rà soát, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên của các đoàn thể. Làm tốt công tác dân vận trong hệ thống cơ quan nhà nước gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bốn là, các Sở ban, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác Dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo nhằm đẩy mạnh phát huy dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền các cấp, của cơ quan hành chính Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại để phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Năm là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo định kỳ (cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 01 ngày/01 tháng; cấp xã ít nhất 02 ngày/01 tháng) và đột xuất khi có những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài... Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử như: Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt hoạt động giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề cử tri quan tâm. Nâng lên hiệu lực, hiệu quả điều hành của ủy ban nhân dân các cấp, đề cao ý thức trách nhiệm và tính chủ động trong công tác nắm và dự báo tình hình, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết công việc và giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri.
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra, Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ và của cơ quan Thanh tra các cấp theo kế hoạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông, chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và các vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền theo tinh thần Chương trình phối hợp số 06-CTr/BDVTU - BCSĐUBND ngày 12/01/2022 về chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Trong đó đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo cho nhân dân được tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.
Tám là, sơ kết 05 năm Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 22/3/2018 của Tỉnh ủy về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo tinh thần Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của ban Bí thư Trung ương Đảng.