MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP LÀM TỐT CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ tư - 24/02/2021 08:22 481 0
Trong những năm qua Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã nỗ lực tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân bằng nhiều chủ trương, nghị quyết và chính sách xóa nghèo và phát triển kinh tế, nhất là chú trọng thực hiện trong vùng đồng bào DTTS.
Hộ nghèo gia đình chị Điểu Thị Rế, thôn 9, xã Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập  được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới.Nguồn TTX
Hộ nghèo gia đình chị Điểu Thị Rế, thôn 9, xã Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới.Nguồn TTX
Cụ thể, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước (01/01/1997-01/01/2017), MTTQ tỉnh tham mưu thường trực Tỉnh ủy tổ chức buổi họp mặt “Nghĩa tình Sông Bé yêu thương” và vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” tỉnh. Sau họp mặt, quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận được 87,8 tỷ đồng từ 83 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ. Qua nguồn vận động này, quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã phân bổ hỗ trợ xây dựng 1.725 căn nhà, trị giá 90,03 tỷ đồng.

Để tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2019, MTTQ tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, tại buổi lễ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đăng ký ủng hộ trên 150 tỷ đồng. Năm 2020, quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận được hơn 49 tỷ đồng, từ nguồn vận động được, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang tiến hành phối hợp với các nhà tài trợ và các huyện, thị, thành phố tổ chức lập danh sách, lựa chọn đối tượng thụ hưởng; nhất là các đối tượng nằm trong diện 1.000 hộ thoát nhèo năm 2020 để tập trung hỗ trợ xây dựng nhà. Đầu năm 2020, MTTQ tỉnh đã phân bổ hỗ trợ xây dựng 118 căn cho các huyện trên địa bàn tỉnh. Mỗi căn trị giá 80 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 53 căn nhà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo các huyện mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, MTTQ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng khoảng trên 1.000 căn nhà, trị giá hơn 80 tỷ đồng cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra với phương châm “Nhà nhà có tết, người người có tết”, hằng năm, trong dịp tết Nguyên đán, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp cùng các tổ chức thành viên vận động được hàng chục ngàn phần quà để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng khác. Tiêu biểu như: Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, vận động và trao tặng được 71.445 phần quà, trị giá 27.448.540.000 đồng; 9 tấn gạo và 293,5 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội. Tết Nguyên Tân sửu năm 2021 MTTQ các cấp đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ được trên 89,538 ngàn phần quà, trị giá trên 41,037 tỷ đồng.

Bên cạnh nhữn kết quả đạt được công tác vận động tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm qua, nhất là việc triển khai việc xây nhà và hỗ trợ sinh kế cho người nghèo ở một vài địa phương còn tồn tại, hạn chế, cụ thể như: phối hợp chưa chặt chẽ trong công tác bình xét đối tượng (nhiều hộ chưa đủ điều kiện về đất ở hợp pháp, tên trong chứng minh nhân dân với sổ hộ khẩu không trùng khớp, sai đối tượng, bỏ sót đối tượng; nhiều đối tượng đang có nhà ở vững chắc (nhà gỗ có giá trị cao) hay đã được xây nhà từ chương trình khác; có thu nhập ổn định… nhưng vẫn đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ xây nhà. Do đó, nhiều lần phải điều chỉnh đối tượng thụ hưởng, làm chậm tiến độ xây nhà của các địa phương và ảnh hưởng đến chương trình. Nguyên nhân của những bất cập trong lựa chọn đối tượng hỗ trợ xây nhà là do Ban thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong tổ chức kiểm tra, rà soát đối tượng đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà. Chủ yếu là dựa vào danh sách các xã đưa lên, sau đó tổng hợp gửi về tỉnh xin hỗ trợ. Lãnh đạo các xã, thị trấn của các huyện được phân bổ chỉ tiêu, nguồn vốn, chủ quan trong bình xét, rà soát đối tượng đủ điều kiện. Có xã chưa dân chủ trong việc xét đối tượng thụ hưởng, việc bình xét còn mang tính nể nang, thân tộc. Hiện nay, nhu cầu cần hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào DTTS trong tỉnh để vươn lên thoát nghèo là rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh, địa phương có hạn, vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thiết thực, trong thời gian tới MTTQ và các ngành, các cấp trong tỉnh đã đề ra một số giải pháp:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung cao cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, tạo thành phong trào thi đua rộng lớn; kịp thời tuyên truyền gương tốt, việc tốt, các điển hình và nhân tố mới, phương pháp cách làm hay, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị, địa phương để công tác thi đua thực sự là động lực, động viên các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Thông báo, các chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh về tăng cường lãnh đạo đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ba là, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở; tham mưu bố trí nguồn lực, phương thức tổ chức; cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư và đảm bảo chất lượng công trình giao thông. Các huyện phải chủ động, cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể; tổ chức phát động tới thôn, ấp để tạo thành phong trào rộng khắp. Các tầng lớp nhân dân khu vực nông thôn cần chủ động tham gia bằng các hình thức như: Tích cực phát triển sản xuất; tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng nông thôn mới; trợ giúp nhau về vốn, cây con – giống… tạo điều kiện cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bốn là, MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng Chương trình, kế hoạch triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động; phát huy vai trò tự chủ của Nhân dân. Vận động các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ủng hộ đóng góp quỹ “Vì người nghèo” tạo nguồn lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Tăng cường hoạt động giám sát việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo tại địa phương, cơ sở, đảm bảo đạt hiệu quả.

Nguồn tin: Tấn Nhu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây