VAI TRÒ CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG VIỆC THAM GIA PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Thứ tư - 13/01/2021 21:536760
Trong những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. KTTT trong nông nghiệp, nông thôn phát triển đã hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển; đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thông qua các mô hình KTTT trong nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành hàng nông nghiệp vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Ở nước ta hiện nay, KTTTmà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới là tổ chức kinh tế duy nhất đại diện cho nhiều hộ nông dân; là loại hình tổ chức sản xuất khoa học nhất, thuận tiện nhất, phù hợp nhất đối với nông dân, giúp nông dân liên kết với nhau và nông dân liên kết với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.
Ở Tỉnh Bình Phước, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2019/HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã quan tâm, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, cụ thể:
Các cấp Hội tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với KTTT. Trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu được phát triển KTTT là nội dung, giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã, tổ hợp tác chính là liên kết của các hộ nông dân; phát triển KTTT, hợp tác xã không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà nâng đỡ, phát huy sức mạnh của kinh tế hộ phát triển. Hiệu quả của hợp tác xã chính là hiệu quả của hộ gia đình, hợp tác xã phát triển thì đời sống thành viên nói riêng và nông thôn nói chung tăng lên; Lựa chọn các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả, các mô hình có sự tham gia liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… để tuyên truyền trực quan và nhân rộng. Từ đó thúc đẩy đổi mới tổ chức sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp; Tuyên truyền, triển khai các nội dung, giải pháp về xây dựng và phát triển hợp tác xã trong Chương trình phối hợp ngày 5/3/2020, giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Liên minh HTX Việt Nam trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và chi hội nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2025.
Chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng Chi Hội, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí “5 tự”: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Chú trọng xây dựng những mô hình, dự án đang được đầu tư vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tài chính, tín dụng khác; các chương trình, dự án hỗ trợ của Hội Nông dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp từ đó phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ được đào tạo có mong muốn, nguyện vọng và nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với lực lượng hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để ưu tiên lựa chọn bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Nghiên cứu đưa cán bộ Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi đi học tập mô hình sản xuất nông nghiệp ở trong và ngoài nước theo Đề án của Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội; Củng cố và phát triển tổ chức Hội Nông dân trong các hợp tác xã theo Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội về xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên cơ sở tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hợp tác xã, tổ hợp tác; Tập trung xây dựng mô hình điểm “3 trong 1”: Chi Hội Nông dân nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp; mô hình “4 trong 1”: Chi bộ hoặc Tổ Đảng – Chi Hội Nông dân nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp; mô hình “5 trong 1”: Bí thư Chi bộ hoặc Trưởng thôn là chi hội trưởng – Tổ chức Đảng – Chi Hội Nông dân nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp trên cùng một địa bàn.
Kết quả, trong thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã vận động, hướng dẫn thành lập mới và duy trì hoạt động 267 chi, tổ hội nghề nghiệp với 2.237 thành viên tham gia (thực hiện theo đề án 24 của TW Hội); 136 hợp tác xã, tổ hợp tác; thành lập 20 câu lạc bộ nông dân với Internet… Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang hỗ trợ xây dựng 80 mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, với 859 hộ hội viên tham gia, với tổng nguồn vốn dư nợ 35 tỷ 114,8 triệu đồng, trong đó có 13 tỷ 840 triệu đồng do Trung ương Hội ủy thác. Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH cho 23.844 hộ vay vốn với tổng số 755 tỷ đồng thông qua 586 nhóm hộ là tổ tiết kiệm và vay vốn.