BÌNH PHƯỚC: Công tác dân vận của hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2021

Thứ năm - 02/12/2021 20:33 330 0
Năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục phát huy hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tổ chức triển khai các kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững; quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang - UV.BTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội Nghị Giao Ban 9 tháng đầu năm 2021
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang - UV.BTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội Nghị Giao Ban 9 tháng đầu năm 2021
Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
 
Cấp ủy Đảng các cấp trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, tổ chức đánh giá tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những nội dung và giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng chú trọng đến việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu của Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể; quan tâm chỉ đạo công tác dân vận chính quyền, hoạt động của các đoàn thể nhân dân. Định hướng chương trình xóa đói, giảm nghèo 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo việc đánh giá, phân tích kiểm điểm điều hành, lãnh đạo thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, PAPI; cho chủ trương và quyết liệt chỉ đạo xây dựng tầm nhìn chiến lược của tỉnh Bình Phước; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quyết tâm cao và sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng: Kinh tế đã hạn chế được mức độ suy giảm và tăng trưởng được duy trì trên một số lĩnh vực quan trọng, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,88%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,3%; về cơ cấu kinh tế: ngành nông lâm thủy sản chiếm 23,84%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,38%; dịch vụ chiếm 32,79%. GRDP bình quân đầu người đạt 74,1 triệu đồng tăng 9,6% so với năm 2020. Công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả tích cực, 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và vươn lên đứng đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) tăng 11 bậc.
 
Chủ động, quyết liệt kiểm soát dịch bệnh:
 
Ngày 30-6, Bình Phước ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Với tinh thần không ai đứng ngoài cuộc, cả hệ thống chính trị và toàn dân Bình Phước đã vào cuộc với quyết tâm sớm chiến thắng, đẩy lùi đại dịch. Trên tuyến biên giới duy trì 65 chốt và 11 tổ cơ động tuần tra; ở các cửa ngõ, các địa phương giáp ranh với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắc Nông, duy trì 41 chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh (05 chốt cấp tỉnh, 13 chốt cấp huyện, 23 chốt cấp xã). Công tác điều tra, rà soát, kiểm soát người đến/về các địa phương trên địa bàn tỉnh từ vùng có dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, những người có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát sức khỏe phù hợp. Đồng thời, rà soát, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép về cư trú trên địa bàn tỉnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp và xử lý theo quy định. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng được huy động lên tiền tuyến chống dịch. Khi dịch bùng phát, tỉnh đã thực hiện phương châm: kiên quyết khóa chặt từ bên ngoài, kiểm soát tốt bên trong, khi xuất hiện ca nhiễm thì khoanh vùng chặt, truy vết nhanh, cách ly kịp thời. Chính sự chủ động, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tận dụng triệt để “thời gian vàng” thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp Bình Phước kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành quả ban đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay của Bình Phước đến từ những quyết định kịp thời, sáng suốt của các cấp lãnh đạo với nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân được đặt lên trên hết và trước hết. Đồng thời, nhất quán quan điểm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ yêu cầu của thực tiễn, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ của tỉnh Bình Phước đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5/8/2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết đặt mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Công tác phòng, chống dịch luôn trong tư thế chủ động đi trước một bước, cao hơn một mức và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch…Nghị quyết 05-NQ/TU xác định, phải bảo đảm sẵn sàng cả về tinh thần và vật chất để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến. Huy động rộng rãi các lực lượng: y tế, vũ trang, xung kích tình nguyện và quần chúng nhân dân để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài, toàn dân chống dịch. Đồng thời triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều “mặt trận”, từ kiểm soát lây nhiễm bên ngoài, bên trong cộng đồng, đến điều trị bệnh nhân Covid-19, tiêm vắc xin và tranh thủ phát triển sản xuất tại những nơi, những vùng đã kiểm soát tốt về dịch bệnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU để chủ động điều hành phát triển kinh tế - xã hội với 3 kịch bản ứng phó cụ thể (kịch bản 1: số ca bệnh đến dưới 1.000 ca; kịch bản 2: số ca bệnh từ 1.000 đến 5.000 ca; kịch bản 3: trên 5.000 ca).
Cùng với việc đưa ra các kịch bản, kế hoạch ứng phó với đại dịch thì xuyên suốt và nhất quán trong Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã thành lập 908 tổ, đội, nhóm phản ứng nhanh, tổ Covid cộng đồng với 1.720 thành viên; 428 tổ truy vết, tổ tuyên truyền với 1.023 thành viên tham gia; thành lập lực lượng xung kích, gồm 4.875 đồng chí. (Trong đó: Lực lượng khối tỉnh: 802 đồng chí và Lực lượng khối huyện: 4073 đồng chí) lực lượng tình nguyện 11.549 đồng chí sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tham gia tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch; tham gia tổ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; tham gia vào các lực lượng hoặc các hoạt động khác...Các chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo, hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 128 của Chính phủ…
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Bình Phước đã chuyển sang một kịch bản mới - xác định chung sống an toàn với đại dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.
Phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội:
 
MTTQ và các đoàn thể các cấp trong tỉnh tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức vận động nguồn lực ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 05-KH/TU ngày 05/8/2021 của của BCH Đảng bộ tỉnh “Về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19”; tham gia tích cực các hoạt động chung tay với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là tổ chức vận động nguồn lực ủng hộ phòng chống dịch Covid-19; tổ chức lực lượng xung kích tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở và chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động, tham gia với từng cấp độ dịch bệnh; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người dân trong tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; vận động các nguồn lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân Bình Phước đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương gặp khó khăn; Triển khai sâu rộng và hiệu quả các phong trào trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân như: “Chương trình sóng và máy tính cho em”; giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; chương trình làm 1.000 km đường giao thông, giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS; xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện “mục tiêu kép”.

Nguồn tin: Lê Toàn (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay3,405
  • Tháng hiện tại73,800
  • Tổng lượt truy cập1,171,934
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây