Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trên hết, trước hết. Với sự chung sức, đồng lòng, ra sức khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh đạt được những kết quả tích cực.
Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,32%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh thành trong cả nước. Tỷ trọng các ngành ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,88%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,3% (riêng công nghiệp tăng 17,75%), dịch vụ giảm 0,94%. Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển, ngành nông lâm thủy sản chiếm 23,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,4%; dịch vụ chiếm 32,8%, trong đó kinh tế số chiếm 3,4% trong GRDP (tương ứng năm 2020: 20,7% - 41,6% - 37,7%). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.810 tỷ đồng, vượt 68% dự toán Bộ tài chính giao và đạt 99% nghị quyết điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, tăng 10% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt 74,1 triệu đồng, tăng 9,6% so với năm 2020.
Bình Phước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp. Tỉnh đã thu hút được 70 dự án FDI, với số vốn đăng ký 600 triệu USD, gấp 02 lần về số dự án và gấp 1,5 lần về vốn đăng ký so với kế hoạch đề ra, đến nay trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 3.579 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước được 100 dự án, với số vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng, bằng 83% về số dự án và bằng tổng vốn đăng ký so với năm 2020. Có 1.020 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 21.700 tỷ đồng; 276 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.500 triệu USD, tăng 17,8% so với năm 2020 và vượt 12,9% kế hoạch năm 2021. Hoạt động bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,02%, đạt 90% so kế hoạch. Tổ chức 01 hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư và ký thảo thuận hợp tác với tập đoàn FPT về một số lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục – đào tạo.
Song song đó, an sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định. Giải quyết việc làm cho 38.000 lao động, đạt 109% kế hoạch năm; đào tạo nghề cho 11.830 người, đạt 169% kế hoạch. Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện, giảm được 2.000 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ hộ nghèo 0,73%, đạt 100%. Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh được kịp thời, hoàn thành 100% đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí 210 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ người dân tỉnh Bình Phước gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện đang sinh sống và ở lại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, thực hiện hỗ trợ cho 13.999 người với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Năm 2022, trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ cụ thể đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; điều hành thu – chi ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, nông nghiệp,…Phấn đấu năm 2022, GRDP tăng 7 – 7,5% so với năm 2021; số hộ nghèo giảm 2000 hộ. GRDP bình quân đầu người đạt 81,2 triệu đồng.