Bình Phước: Những chuyển biến tích cực trong công tác Dân vận của chính quyền năm 2020

Thứ tư - 16/12/2020 23:04 608 0
Tiếp tục thực hiện công tác Dân vận của chính quyền, ngay từ đầu năm 2020 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Năm dân vận chính quyền 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020; ban hành Kế hoạch phối hợp số 21-KH/BCSĐ-BDVTU ngày 06/3/2020 về phối hợp thực hiện công tác dân vận chính quyền năm 2020; Công văn số 982/UBND-NC ngày 09/4/2020 và Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 09/4/2020 về việc triển khai thực hiện công tác “Dân vận khéo” năm 2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Võ Sá trình bày kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước (Ảnh Báo Bình Phước Online)
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Võ Sá trình bày kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước (Ảnh Báo Bình Phước Online)
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Các cấp chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành hoạt động trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh uỷ về công tác phòng, chống dịch Covid-19; các hoạt động chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng trợ cấp xã hội được các địa phương quan tâm thực hiện tốt. UBND tỉnh tiến hành đánh giá kết quả 5 năm triển khai, thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Kế hoạch số 247-KH/TU của Tỉnh uỷ về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp; đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 01-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác dân vận giai đoạn 2016-2020”, 5 năm thực hiện Kế hoạch 26-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch số 36-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác dân vận; tổ chức Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước lần thứ V giai đoạn 2020- 2025; tiến hành tổng kết chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2019; tổng kết, đánh giá Chương trình 135 thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đề xuất giai đoạn 2021-2025; tổng kết thực hiện chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011- 2020; tổng kết thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021- 2030.

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, khai thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và có nhiều điểm sáng như: Sản xuất công nghiệp tăng khá 12,5%, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,33% so với năm 2019, các hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ Nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội đã làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách, các dịch công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng lên trong thời gian gần đây, cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 3, đấu thầu qua mạng đứng thứ 2 so với cả nước, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã thành công bước đầu, toàn tỉnh không có ca mắc bệnh Covid-19; đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đúng theo yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết quả thực hiện 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu có 20 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, còn lại 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đó là tăng trưởng kinh tế (kế hoạch đề ra là tăng 8%, ước thực hiện tăng 7,2%), thu hút vốn đầu tư (vốn đầu tư trong nước kế hoạch đề ra là 10.000 tỷ đồng, thực hiện 7.000 tỷ đồng); vốn đầu tư FDI (kế hoạch đề ra là 400 triệu USD, thực hiện đạt 200 triệu USD); Chỉ tiêu về giường bệnh (kế hoạch đề ra 29 giường, thực hiện 28,5 giường); Chỉ tiêu phát triển 32 hợp tác xã, thực hiện được 22 hợp tác xã. Về kinh tế tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD, cả nước 2.750 USD) tăng 9,3% so với năm 2019. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện là 10.700 tỷ đồng, đạt 105% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 13.900 tỷ đồng, đạt 106% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh. Có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67%, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã; thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long là 2 địa phương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, riêng thị xã Bình Long đang trình Trung ương xem xét, công nhận; hoàn thành 650 km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm chung toàn tỉnh đạt 74,79%, đạt 100% kế hoạch.

Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, có sự đổi mới, sáng tạo trong phương pháp lãnh đạo, điều hành chính sách giảm nghèo ngày càng thiết thực, hiệu quả, nhất là đối với chương trình xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020. Ước thực hiện đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,56%, giảm 1% so với đầu năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác bảo đảm an sinh xã hội đã triển khai toàn diện các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chế độ cứu trợ xã hội, trong đó chú trọng chăm sóc các đối tượng là người có công, người tàn tật, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn đã được hỗ trợ gạo và chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã giải quyết hỗ trợ cho 82.932 đối tượng với số tiền là 83 tỷ 779 triệu đồng đạt 98,3%. Các chính sách đối với người có công, công tác bảo trợ xã hội thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bước đầu đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành, lĩnh vực sản xuất. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 37.500 lao động, đạt 106% kế hoạch năm; đào tạo nghề 6.626 lao động, đạt 110% kế hoạch năm.

Công tác cải cách hành chính có nhiều kết quả nổi bật, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thủ tục hành chính của các sở, ngành được rà soát lại và công bố theo quy định; phần lớn thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian thực hiện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16/22 sở, ngành đã đưa 100% số thủ tục hành chính ra tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 06 sở thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc 4 tại chỗ, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn có tổ chức bộ phận một cửa theo quy định. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử từ ngày 19/5/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp tiếp tục phối hợp đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua dịch vụ trực tuyến, theo đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến gia tăng nhanh, đạt hơn 90% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận tại các cấp trên địa bàn tỉnh (cấp tỉnh từ 25% hồ sơ trực tuyến tăng lên 99%, cấp huyện từ 3% hồ sơ trực tuyến tăng lên 96%, cấp xã từ 2% hồ sơ trực tuyến tăng lên 80%) vượt chỉ tiêu đến cuối năm 2020 theo theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính Phủ (30%). Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư luôn được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác xử lý đơn thư luôn đảm bảo kịp thời theo đúng thời gian quy định; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 85% tổng số đơn thư phải giải quyết, số đơn thư giải quyết đúng hạn và trước thời hạn quy định đạt tỷ lệ trên 90% tổng số vụ việc giải quyết, không để đơn thư tồn đọng quá hạn.

 Công tác phối hợp thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quan  tâm đẩy mạnh thực hiện tốt; việc phối hợp giữa Mặt trận, các đoàn thể với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan Nhà nước ngày càng chặt chẽ, có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua, yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động “Vì người nghèo” phong trào thi đua “dân vận khéo” thực hiện có hiệu quả.
 
VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
 
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác Dân vận của chính quyền xin nêu một số biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 247-KH/TU ngày 24/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Hai là, đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; xác định công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt và dự báo sát tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân. Hạn chế và tiến tới chấm dứt các đoàn khiếu kiện thuộc thẩm quyền của các địa phương về Trung ương và về tỉnh khiếu kiện.

Ba là, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, tập trung rà soát các chỉ tiêu, lĩnh vực đạt còn thấp để có giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tiếp tục, chủ động phòng, chống dịch Covid-19 không để lây lan, tăng cường kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu Quốc tế, cửa khẩu Quốc gia và các lối mở trên địa bàn tỉnh, phát hiện và cách ly kịp thời các cá nhân nghi nhiễm; tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh cho toàn thể Nhân dân.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giảm các thủ tục hành chính dễ gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Coi trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án nhằm đảm bảo sự phù hợp với thực tế và gắn với lợi ích của nhân dân.
Năm là, không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng, phong trào thi đua dân vận khéo trong hệ thống chính quyền các cấp, đặc biệt là công tác phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Sáu là, tăng cường khảo sát, kiểm tra việc thực hiện công tác Dân vận gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh. Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, có biểu dương khen thưởng kịp thời những địa phương, cá nhân làm tốt; đồng thời phê bnfh, kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với những đơn vị thực hiện không nghiêm, những trường hợp mất dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ để gây rối, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và Nhân dân.

Công tác Dân vận trong thời kỳ mới có vị trí hết sức quan trọng, đòi hỏi chính quyền các cấp trong tỉnh phải thực hiện tốt công tác Dân vận theo chỉ dẫn của Bác Hồ: “Dân vận tới mọi người dân không bỏ sót một người nào” để phát huy được sức mạnh toàn dân thực hiện sự nghiệp xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây