Hiện nay, tỉnh có 1827 dịch vụ công được kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đã được nâng cao (số liệu thống kê hằng ngày đạt trên trên 90%). Đối với chứng thực điện tử: Công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đã được 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn vào cuộc triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện được khoảng 38.555 hồ sơ chứng thực điện tử, xếp thứ 01/63 tỉnh thành. Kết quả thanh toán phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công: toàn tỉnh thực hiện được 58297giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (đứng thứ 1 cả nước về tổng số giao dịch và số tiền thanh toán trực tuyến). Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh đã liên thông ngang dọc 4 cấp hành chính (TW - tỉnh - huyện - xã), đã kết nối với Trục LGSP và có App trên thiết bị di động. Về Chữ ký số: Đã triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, hướng tới sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Đến nay đã cấp 3.056 chứng thư số của cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó cá nhân 2241 chứng thư, tổ chức 416 chứng thư, sim ký số là 213 sim, đã thu hồi 186 chứng thư . Hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai từ cấp tỉnhtới cấp xã và được kết nối ổn định với Chính phủ đã giúp lãnh đạo điều hành công việc thông suốt trong mọi tình huống. Hệ thống thư điện tử: Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được thuê dịch vụ CNTT của VNPT Bình Phước, đến nay đã cấp 7175hộp thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ công chức, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt 90%. Hệ thống phòng họp không giấy với đường link: hop.binhphuoc.gov.vn giúp cho các cơ quan thực hiện các cuộc họp trên môi trường điện tử thông suốt, hiệu quả. Mạng truyền số liệu chuyên dùng: Đến nay, đã triển khai thuê mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho 145 cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, 310 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bằng cách lắp đặt đường truyền cáp quang, thiết bị đầu cuối, hệ thống định tuyến Router chuyên dùng (các cơ quan Đảng: 149/149 đơn vị sử dụng; sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã 145 đơn vị sử dụng).
Là một trong số ít các tỉnh đã tiến hành xây dựng và vận hành hiệu quả bước đầu Trung tâm điều hành thông minh (IOC), từng bước hoàn thiện các dịch vụ và dữ liệu. Hình thành phong cách lãnh đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, thông tin chính xác từ IOC. Xếp hạng Chuyển đổi số năm 2021 của tỉnh đứng 25/63 tỉnh thành, trong khu vực Đông Nam Bộ chỉ xếp sau TPHCM và Đồng Nai. Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước có sự phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Đặc biệt, để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử tại cấp xã, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như máy tính, máy in, máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho việc số hóa tài liệu, văn bản, kết nối mạng Internet, việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ, công chức cấp xã thay đổi phương thức tổ chức lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin điện tử thay thế phương thức làm việc truyền thống. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, đến nay các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như quản lý hộ tịch, quản lý văn bản, thực hiện ký số điện tử, kế toán ngân sách, một cửa điện tử, hội nghị truyền hình... góp phần cải cách hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.
Để phát huy những kết quả đạt được, Sở Thông tin và truyền thông tiếp tục chủ trì phối hợp tham mưu cho tỉnh làm tốt công tác dân vận chính quyền trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh với những nội dung trọng tâm như sau:
Một là, lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G, phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi.
Hai là, phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ cấp xã đến Trung ương (thực hiện thường xuyên); Xây dựng các nền tảng dùng chung (quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, Cổng dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử, app IOC và cơ sở dữ liệu dùng chung (thực hiện giai đoạn 2022-2025); Xây dựng hạ tầng kết nối IoT phục vụ quản lý đô thị, giao thông, điện, nước, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử; Triển khai thí điểm các ứng dụng, dịch vụ CĐS, từ đó phát triển nhân rộng trên địa bàn tỉnh (thực hiện 2022).
Ba là, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thực hiện liên thông dọc và ngang giữa các cấp, ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; Hoàn thiện nền tảng LGSP tích hợp, chia sẻ, liên thông các hệ thống thông tin từ cấp xã đến bộ, ngành Trung ương (thực hiện năm 2022); Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây của các cơ quan nhà nước tại các sở, ngành kết nối nền tảng đám mây Chính phủ (thực hiện giai đoạn 2022-2025); Xây dựng nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho mọi dịch vụ, tiện ích trong chính quyền số cho người dân và doanh nghiệp (thực hiện giai đoạn 2022- 2023); Mọi hoạt động hành chính của các cấp, ngành đều thực hiện trên môi trường điện tử để 100% hồ sơ công việc được số hóa đầu vào, tạo điều kiện cho việc số hóa các bước triển khai tiếp theo và số hóa dữ liệu hành chính các cấp thực hiện trên môi trường điện tử, trực tuyến đạt 100% (thực hiện giai đoạn 2022- 2024).
Bốn là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT; Xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực CNTT (thực hiện năm 2022); Tích cực tìm kiếm đối tác (các trường đại học, tập đoàn công nghệ) trong phối hợp đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực CNTT (thực hiện năm 2022).
Năm là, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng: Hoàn thiện xác định cấp độ đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (năm 2022); Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ chính quyền số (giai đoạn 2022- 2025); Xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (giai đoạn 2022- 2025); Xây dựng hệ thống thẩm định, kiểm tra, giám sát, đánh giá điều kiện an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định (giai đoạn 2022- 2025).
Sáu là, triển khai các giải pháp tăng cường kỹ năng sử dụng các ứng dụng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Tháo gỡ cản trở về thói quen, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường số; xây dựng quy chế gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện; tiên phong gương mẫu trong việc ứng dụng công nghệ số trong công việc và sinh hoạt; tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỹ năng hiểu, sử dụng các hệ thống, công cụ và ứng dụng kỹ thuật số, từ đó nâng cao năng lực giải quyết công việc, thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường số. Tháo gỡ cản trở về thói quen, hành vi của người dân trên môi trường số: Rà soát TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân theo hướng rõ, nhanh, dễ hiểu, dễ thực hiện; Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người dân về kỹ năng số bằng nhiều hình thức phù hợp, linh động, sáng tạo; Hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trực tuyến, thực hiện các giao dịch thanh toán nghĩa vụ thuế, tiền điện, nước, viễn thông... trên môi trường điện tử; Hỗ trợ nông dân mua bán, giao dịch trên môi trường số.
Bảy là, phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số, tạo điều kiện, môi trường chính sách thông thoáng để thúc đẩy thương mại điện tử; Xây dựng thí điểm các cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu, phát triển các nền tảng CNTT, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xúc tiến thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, tìm kiếm đối tác hợp tác, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ.
Công tác dân vận chính quyền trong xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm vừa là cơ hội, động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới. Với những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân, tin tưởng rằng Bình Phước sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới. Hướng đến năm 2025, Bình Phước sẽ cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.