Bình Phước: Một số kết quả tích cực trong việc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác dân vận.
Thứ năm - 22/12/2022 02:233600
Thực hiện Chương trình phối hợp số 03-CTr/BDVTW-BCSĐCP ngày 15/12/2021 của Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ về công tác dân vận giai đoạn 2021- 2026, ngày 14/01/2022 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thống nhất ký kết và ban hành Chương trình phối hợp số 06-CTr/BDVTU-BCSĐUBND về phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022-2026; đồng thời ký kết ban hành Kế hoạch số 05-KH/BDVTU- BCSĐUBND về phối hợp thực hiện công tác dân vận năm 2022. Thông qua ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về công tác Dân vận.
Ngày 8/9/2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về công tác Dân vận của chính quyền trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm tỉnh và 11 điểm cầu các huyện, thị, thành phố. Buổi Tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác dân vận chính quyền, từ đó làm cơ sở để tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch tiến hành ký kết, triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền phù hợp với thực tế địa phương, cơ sở.
Thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp, những vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp đều được đảm bảo thực hiện. Trách nhiệm của hệ thống dân vận và chính quyền các cấp đều được phát huy. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Phối hợp nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng trong nhân dân và phong trào quần chúng để kịp thời báo cáo cấp ủy chỉ đạo, giải quyết, góp phần ngăn ngừa và hạn chế xảy ra những điểm nóng; phối hợp tốt với các đoàn thể, hội quần chúng trong tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị quan tâm và thực hiện công tác dân vận có nhiều chuyển biến hơn, sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác Dân vận gắn bó hơn, chặt chẽ hơn. Các cơ quan nhà nước làm tốt việc tham mưu xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách đúng và thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Thực hiện chương trình phối hợp và nhằm đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh. Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất đã có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, sự nổ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận của chính quyền nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực và khởi sắc.Kinh tế tăng trưởng khá đạt 9,1%; các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư trong nước, kim ngạch xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người đều đạt và vượt nghị quyết đề ra. Các chính sách của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh so với năm trước, chăn nuôi tiếp tục mở rộng quy mô; các hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường; cụ thể: Ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,66%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16,24% (trong đó công nghiệp tăng 18,7%), dịch vụ tăng 8,73% (kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%);GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng 11,6% so với năm 2021. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước thực hiện 26.135 ha, đạt 103,1% kế hoạch năm. Diện tích cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 438.350 ha, tăng 1,55%. Công tác bảo vệ thực vật được duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng. Chăn nuôi phát triển theo quy hoạch và định hướng; Các biện pháp bảo vệ, phòng, chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật được thực hiện nghiêm; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở những tháng mùa khô được triển khai hiệu quả; đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng. Thu ngân sách đạt khá, ước thực hiện 14.535 tỷ đồng, đạt 119% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 102% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 6% so với năm 2021. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3 tỷ 850 triệu USD, tăng 12,28% so với năm 2021, đạt 100% Nghị quyết năm. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tiếp cận được nguồn nguyên liệu, không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng nên sản xuất hàng xuất khẩu bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu, đáp ứng tốt theo đơn hàng của các đối tác. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 23,08% so với năm 2021. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực; hoạt động du lịch đã thực hiện mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới theo Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó thực hiện đón khách du lịch quốc tế gắn với xây dựng các chương trình, gói kích cầu du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Số lượt khách quốc tế và nội địa tăng cao, khách nội địa ước cả năm đón hơn 717.000 lượt khách, đạt 153% kế hoạch, tăng 72,5% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước cả năm đón hơn 4.700 lượt khách, đạt 363% kế hoạch, tăng 371% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 362 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch năm, tăng 52,2% so với năm 2021.
Công tác lao động, giải quyết việc làm, bảo trợ và an sinh xã hội được quan tâm, hỗ trợ kịp thời: Toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 21.500 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 11.498 lao động và hỗ trợ học nghề cho 90 lao động; ước giải quyết việc làm cho 43.000 lao động (kế hoạch 39.000 người), đạt 110,2% kế hoạch năm, tăng 3,02% so với năm 2021; Chế độ chính sách cho người có công được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Trong công tác bảo trợ xã hội, từ đầu năm đến nay các địa phương đã phối hợp tiếp nhận, cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cứu đói cho người dân gặp khó khăn do mất mùa năm 2022 được 2 đợt (với tổng số gạo 993.375 kg gạo cho 66.225 lượt người ở các huyện trên địa bàn tỉnh). Tổng số người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là 168.951 người; tổng kinh phí hỗ trợ đã chi trên 343 tỷ đồng. Về hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ: Tổng số tiền hỗ trợ là 43 tỷ 109 triệu đồng, đạt 84% kế hoạch.
Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, các chính sách hỗ trợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo phát huy hiệu quả. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2022: Công nhận 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch năm. Lũy kế toàn tỉnh có 75/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 87,2%, trong đó có 09 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03/11 huyện thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 02/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,8%, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện theo hướng thích ứng linh hoạt, kiểm soát chủ động diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường triển khai công tác tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Tình hình các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ngành y tế đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, không để dịch bùng phát, xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”; dịch sốt xuất huyết được khống chế; dịch bệnh sốt rét đã duy trì đạt mục tiêu 3 giảm (không có dịch sốt rét xảy ra, số ca mắc sốt rét giảm, không có ca tử vong).
Về công tác cải cách hành chính, tiếp tục triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, hướng dẫn tự đánh giá chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành lập Hội đồng thẩm định chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Tính đến nay, tỉnh Bình Phước có 1.432 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố). Bình Phước xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức 3, mức 4; việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính đang được đẩy mạnh với 42.552 giao dịch, 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, huyện có phát sinh giao dịch thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế 101 người, với tổng kinh phí 17,3 tỷ đồng. Triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Bình Phước, nâng cao chỉ số nâng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số”. Hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh được đẩy mạnh toàn diện; hạ tầng số tại tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh; Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến...; Phát triển kinh tế số và xã hội số tại tỉnh đã được triển khai các hoạt động như: Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; Thành lập 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng ấp với 5.426 thành viên; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại các lĩnh vực xây dựng, giáo dục, y tế, đang tiếp tục mở rộng đến tất cả các lĩnh vực khác.
Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư luôn được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng ngày càng được nâng lên. Về công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo: Tính đến tháng 10/2022, triển khai thực hiện 42 Đoàn thanh tra, Tổ kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, số đơn vị được thanh tra là 133 đơn vị; đã ban hành kết luận thanh tra là 21 cuộc. Kết quả, đã xử lý hành chính đối với 18 tổ chức, 18 cá nhân; thu hồi về ngân sách nhà nước với số tiền hơn 9,8 tỷ đồng. Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành là 595 cuộc, với các lĩnh vực về giao thông, quản lý thị trường, y tế, nông nghiệp, nước thải, giấy phép xây dựng… Qua thanh tra, kiểm tra có 147 tổ chức và 446 cá nhân vi phạm. Số tiền vi phạm về kinh tế đã thu hồi 1,7 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu 5,7 tỷ đồng; có 88/147 tổ chức, 30/446 cá nhân đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, toàn ngành đã tiếp 4.354 lượt, số người được tiếp là 2.780 người, với 2.452 vụ việc. Nội dung tiếp công dân, nhận đơn thư chủ yếu liên quan đến vấn đề chế độ chính sách, tranh chấp đất, cấp đất tái định cư, việc hỗ trợ đền bù khi thực hiện các dự án, tranh chấp dân sự và các kiến nghị khác. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền 114 đơn/107 vụ việc (đơn khiếu nại 96 đơn/90 vụ việc, đơn tố cáo 18 đơn/17 vụ việc); đã giải quyết 85/107 vụ việc (75 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo), tỷ lệ giải quyết đạt 79,4%. Tiếp tục làm tốt công tácphối hợpthực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy chế số 19-QC/TU của Tỉnh ủy về công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy và BCS Đảng UBND tỉnh xác định tiếp tục phối hợp đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 247-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đẩy mạnh phối hợp công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác dân vận triển khai thực hiện các dự án kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc và những nội dung phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” với những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong công tác dân vận của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.