Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt

Thứ năm - 26/01/2023 20:55 298 0
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua hơn 10 năm triển khai đã đạt kết quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Lê Thị Xuân Trang phát biểu tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo Trung ương  Nguồn ảnh: Báo Bình Phước
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Lê Thị Xuân Trang phát biểu tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo Trung ương Nguồn ảnh: Báo Bình Phước
Trên tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp huyện; bám sát nội dung chỉ đạo của cấp trên và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động, với những nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tế, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm và tiêu dùng. Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hoá, tổ chức các Hội chợ triển lãm và đưa hàng về nông thôn đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh và các huyện, thị xã cũng đã phối hợp triển khai tổ chức các hoạt động thiết thực trong hệ thống tổ chức của mình và trong hội viên, đoàn viên, cán bộ, viên chức, người lao động, trong cơ quan, đơn vị.... Nhằm vận động nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm, triển khai cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo hoạt động đạt hiệu quả, Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành quyết định kiện toàn; đồng thời, Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh quyết định xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cho các thành viên. Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động và tiến hành củng cố kiện toàn thành viên để đảm bảo công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện được thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả trong toàn tỉnh.

Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã phân công trách nhiệm cho các thành viên triển khai tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung trong Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc ưu tiên sử dụng các hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội, như: Zalo, facebook, Fanpage, các trang báo in, báo điển tử của tỉnh, phát sóng trên truyền hình, trên hệ thống loa tại các cụm khu dân cư để tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân trên địa bàn tỉnh". Phát hành tờ rơi tuyên truyền về cuộc vận động đến từng hộ gia đình tại cộng đồng khu dân cư.
Ngoài việc tuyên truyền gián tiếp, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị tổ chức các Hội chợ thương mại nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm thương hiệu Việt có chất lượng cao, giá thành hợp lý được người tiêu dùng trong nước chấp nhận; tham gia những hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt ngay tại địa phương thông qua các “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn”, “Hội chợ triển lãm hàng Việt”; “Phiên chợ 0 đồng”, “Gian hàng bình ổn giá"... song song đó, vận động công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, nhân dân sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân và thực hiện mua sắm tài sản công. Thông tin về chính quyền các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương tử chương trình OCOP.

Nhằm tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiền dùng hàng Việt Nam” ngày càng thiết thực, hiệu quả, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh (Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh) bạn hành Kế hoạch số 279/KH-MTTQ-BTT ngày 15/8/2022 tổ chức Cuộc thi ảnh “Sắc màu hàng Việt" năm 2022. Theo đó, nội dung ảnh thi là những bức ảnh tâm đắc nhất của Ủy viên Ủy ban MTTQVN các cấp; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh; Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh ghi lại hình ảnh những sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; hình ảnh đẹp về người lao động trong các hoạt động sản xuất, chế biến. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có thông báo phát động cuộc thi trong toàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại có 10/11 huyện, thị xã, thành phố tham gia với hơn 150 bài dự thi.  Nhìn chung, nội dung tuyên truyền được các cấp, các ngành tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp kích cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giáo dục, khích lệ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về văn hóa tiêu dùng hàng Việt là góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cùng với UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, phân phối. Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, nhằm xây dựng hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp". Đặc biệt là Tinh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chính sách cụ thể mới gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn, công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm sạch; chỉ đạo các sở ngành chức năng của tinh tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư 62 dự án với tổng nguồn vốn 23 tỷ 530 triệu USD”.

Bên cạnh đó, Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, phân phối tiếp tục được quan tâm thực hiện:

- Sở Công Thương: Đã xác nhận cho 13 thương nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký xác nhận chương trình khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại khoảng 1,2 tỷ đồng; tiếp nhận 16.466 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh; xác nhận cho 04 thương nhân đăng ký tổ chức 39 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã tổ chức được 16 hội chợ thương mại, có 460 lượt doanh nghiệp tham gia với khoảng 1.120 gian hàng, thu hút được hơn 160.000 khách tham quan, mua sắm; Tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Phước trong khuôn khổ Hội chợ trái cây và hàng nông sản năm 2022 với sự tham gia của 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Tham gia Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh, thành năm 2022 với 16 Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia;  Tổ chức Phiên chợ không dùng tiền mặt tại thành phố Đồng Xoài, có 25 đơn vị đăng ký tham gia với 30 gian hàng tiêu chuẩn, với mục đích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo môi trường thanh toán lành mạnh, an toàn để người dân trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm những hình thức thanh toán hiện đại.

- Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch: Hỗ trợ 05 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản trên địa bàn tỉnh (Công ty TNHH Mỹ Lệ với các sản phẩm về hạt điều, trà Ôlong; Công ty TNHH Vinahe với các sản phẩm về hạt điều, Công ty TNHH Sơn Hà với các sản phẩm về rượu tinh sâm nhung, Công ty TNHH Điều Hoàng Phú với các sản phẩm về hạt điều rang củi truyền thống, Cơ sở sản xuất Mật ong Sông Bé với các sản phẩm về Mật ong) tham gia Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám (HCM). Bên cạnh đó, Sở đã hướng dẫn và chấp thuận cho 262 hồ sơ quảng cáo; thực hiện tốt việc hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân về các quy định hàng hóa khi thực hiện quảng cáo.

- Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch: Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong nước như: Hội chợ Thương mại Festival Huế 2022; Hội chợ Triển lãm Giống và Nông nghiệp công nghệ cao lần VIII cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; Tuần lễ giao lưu Văn hóa, Thương mại và cung Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ triển lãm thương mại quốc gia Fesstival Hoa Đà Lạt năm 2022; Hội nghị kết nối Bình Dương năm 2022; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Hội chợ Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Long An 2022; Hội chợ - Triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP năm 2022,...

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Hỗ trợ 06 doanh nghiệp, hộ kinh doanh (TX Chơn Thành và huyện Bù Đốp) tham gia điền phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp để Trung ương Hội lựa chọn, hỗ trợ xây dựng; hỗ trợ HTX hoa khô Hưng Thịnh và hộ kinh doanh Nhâm Nhung đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

- Hội Nông dân tỉnh: Hỗ trợ đưa sản phẩm của 08 doanh nghiệp và cá nhân lên sàn thương mại điện tử, cung cấp thông tin của 80 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, hưởng ứng và tham gia Cuộc thi “Ảnh đẹp trái cây” với 05 tác phẩm, lựa chọn và hỗ trợ 03 doanh nghiệp mang những sản phẩm đặc trưng thế mạnh của Bình Phước tham dự Festival (Mật ong Sông Bé, Tiêu sạch cô Hai, điều rang muối Như Hoàng).

- Tỉnh Đoàn: Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tỉnh Đoàn đã tổ chức triển lãm, trưng bày nhiều mô hình sáng tạo và 20 sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên địa phương. Hỗ trợ 03 thanh niên với mặt hàng Yến chưng, Yến sào tham gia Triển lãm kết nối nông nghiệp số, hội chợ thương mại Festival hoa Đà Lạt và nông sản thanh niên toàn quốc năm 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng và công tác điều hành của các cấp chính quyền cùng với sự chung tay, vào cuộc của các sở, ngành, Mặt trận – Đoàn thể. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ngày càng triển khai đồng bộ, nhân rộng và dần dần đi vào chiều sâu. Chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp phối hợp, đưa cuộc vận động trở thành một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên hàng năm, như: Hội phụ nữ gắn thực hiện cuộc vận động với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội nông dân phát động đăng ký thi đua thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất các mặt hàng rau sạch cung cấp cho thị trường, vận động các hộ kinh doanh, sản xuất, chế biến các mặt hàng tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đoàn thanh niên phát động chương trình “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”....

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian đến, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiếp tục quán triệt và tăng cường tuyên truyền Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư và Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường thực hiện CVĐ đến các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo; xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù của địa phương để người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo lòng tin và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguồn tin: Đoàn Tứ - Ban DVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây