Việc tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật
Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu tập trung triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành như: Hiến pháp năm 2013; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Hộ tịch; Luật Lâm nghiệp; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Thi hành án dân sự; Luật Giám định tư pháp; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Doanh nghiệp; Luật Phòng chống tham nhũng; công tác quản lý công chức, viên chức, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, tôn giáo, văn thư - lưu trữ; những văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công chức, viên chức; các nội dung có liên quan về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xây dựng, đấu thầu, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị mình quản lý. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai hoặc tham mưu UBND tỉnh phổ biến các văn bản pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực mình quản lý đồng thời phối hợp với các địa phương lựa chọn những văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống để phổ biến đến đông đảo quần chúng Nhân dân.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được đa dạng hóa thông qua các hình thức như: biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; phổ biến giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động; phiên tòa giả định, thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; treo băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát tờ rơi; qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; thông qua hoạt động hoà giải; qua hoạt động của câu lạc bộ pháp luật; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Phổ biến thông qua thông qua các chuyên mục trên Đài phát thanh truyền hình và báo Bình Phước như: Chuyên mục “Pháp luật cuộc sống”, “Giải đáp pháp luật”, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán những hiện tượng vi phạm pháp luật. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu là theo phương pháp truyền thống (tuyên truyền miệng) đây là hình thức được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên, thông qua tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp cơ quan, đơn vị, họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, truyền thông về trợ giúp pháp lý.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nội dung và hình thức phù hợp, cụ thể như:
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lễ hội truyền thống, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc đưa pháp luật đến với người đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp): Phối hợp với UBND cấp xã tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho 10 xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với 450 lượt người tham dự.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp: Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng, trong đó tập trung phổ biến các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 340 người tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức đối thoại giái đáp thắc mắc, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho 511 doanh nghiệp với 598 cán bộ làm công tác lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, PTTH năm 2022 tại 10 điểm/28 trường với 4.300 học sinh, giáo viên và phụ huynh tham dự, riêng Đồng Xoài hơn 400 học sinh và 100 phụ huynh, giáo viên tham dự.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình: Các đơn vị, địa phương đã tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Tiếp tục duy trì đường dây nóng và góc tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ quan Hội LHPN tỉnh; chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở thành lập và duy trì các mô hình, đặc biệt là duy trì sinh hoạt của 362 câu lạc bộ với 10.569 thành viên như: Câu lạc bộ “Người mẹ nuôi dạy con giỏi”, “Cán bộ Hội cơ sở giỏi”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”; duy trì hoạt động 492 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật: Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý cho học viên học nghề dành cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại 9 điểm/5 xã, với 405 lượt người tham dự.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc: Công an tỉnh chỉ đạo Trại tạm giam thường xuyên tổ chức cho các đội phạm nhân duy trì sinh hoạt học tập hằng tuần, hằng tháng, quý, tổ chức các buổi giáo dục chung, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân, tư vấn pháp luật, định hướng nghề. Tổ chức 250 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 2.500 lượt can phạm nhân, giáo dục riêng cho 800 lượt can, phạm nhân; tại các địa bàn cấp xã, các khu dân cư đã tổ chức được 80 buổi phổ biến pháp luật cho trên 1.250 đối tượng; triệu tập, tuyên truyền, giáo dục pháp luật riêng biệt cho 4.000 đối tượng thuộc diện giáo dục tại cộng đồng dân cư và đối tượng chậm tiến có biểu hiện vi phạm pháp luật. Duy trì thư viện gồm 720 đầu sách, tài liệu pháp luật các loại phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ma túy và phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù tại Trại giam công an tỉnh; tuyên truyền, giáo dục cho 16.456 lượt học viên đang cai nghiện tại cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo: UBND cấp xã nơi người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người giáo dục như: pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, các văn bản liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Đối với người nghiện ma túy, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; về tác hại của việc tiêm chích, sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng, phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua tiêm chích ma túy; về chương trình cai nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường được chú trọng Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, 100% các đơn vị thực hiện tốt việc đưa nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp vào trong nhà trường cụ thể như: Giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, tác động của chính sách pháp luật đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; những hành vi bị cấm; chế tài xử lý vi phạm; nội dung chính sách pháp luật về quốc phòng an ninh, ý thức trách nhiệm về bảo vệ tổ quốc; phòng chống tham nhũng, lãng phí; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, an toàn giao thông, phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; cải cách hành chính... Tuyên truyền việc thi hành pháp luật gắn với những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, hoặc định hướng dư luận xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường học đã có nhiều hoạt động tích cực, sôi nổi, bám sát và hỗ trợ quan trọng đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các văn bản pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực thi hành đều được tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng các hình thức phù hợp, từ đó nâng cao được nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật.
Thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Tiếp tục tổ chức thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022" trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10/5/2022 về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo cho Sở Tư pháp đôn đốc hướng dẫn về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở; tổ chức thực hiện chỉ đạo điểm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các xã thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Thông tin Bộ Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp biên soạn phát hành cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên và các cơ quan, đơn vị biết khai thác, sử dụng. Thường xuyên hướng dẫn các địa phương rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Thông qua hoạt động hòa giải, hòa giải viên lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, môi trường, hụi, trật tự an toàn xã hội đã góp phần giúp người dân tự giác chấp hành pháp luật nhất là các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự giác hòa giải với nhau. Tính đến thời điểm báo cáo, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 1257 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 755 vụ, việc đạt tỷ lệ 60%, hòa giải không thành 450 vụ, việc chiếm tỷ lệ 40%.
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuân tiếp cận pháp luật
Năm 2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho khoảng 300 cán bộ, công chức là đại diện Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của 11 đơn vị cấp huyện và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và công chức phụ trách các đầu mối xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công chức phụ trách các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022; Chọn 03 đơn vị cấp huyện làm điểm về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hỗ trợ kinh phí thực hiện gồm: UBND huyện Hớn Quản, UBND huyện Bù Đốp, UBND huyện Lộc Ninh tổ chức làm điểm, chỉ đạo, hướng dẫn, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến nay, các huyện đã triển khai thực hiện xong. Năm 2022, toàn tỉnh có 92/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được công nhận (đạt tỷ lệ 82,9%); 19 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (lý do “có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ” chưa đạt đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; UBND cấp xã không lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật).