Lễ hội Phá Bàu tỉnh Bình Phước - Nét văn hóa độc đáo phong phú, đa dạng của đồng bào Khmer
Chủ nhật - 24/03/2024 02:161820
Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là lễ hội truyền thống. Đây là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4615/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019. Ngoài ra, việc công nhận khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, đồng thời là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.
Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer được chính quyền địa phương tổ chức hằng năm nhằm giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc riêng. Đặc biệt, lễ hội nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Không gian lễ hội ở hai địa điểm là miếu Ông Tà - nơi thực hiện nghi lễ xin bình an của người dân và bàu nước nơi thực hiện các nghi lễ chính, phần hội của lễ hội bắt tôm cá.
Lễ hội bắt đầu bằng nghi lễ truyền thống do già làng của xã Lộc Khánh làm chủ lễ. Sau đó, lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các bài hát, điệu múa truyền thống cộng đồng của người Khmer. Tiếp đó, người dân trực tiếp xuống bàu bắt cá. Con cá lớn bắt đầu tiên sẽ dâng cho già làng. Mọi người sau đó lấy sản phẩm bắt được cùng nướng và chế biến các món ăn truyền thống để ăn tại lễ hội.
Lễ hội còn thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường sống, môi trường tự nhiên của con người, là nơi bảo tồn các công cụ đánh bắt truyền thống của người Khmer. Đồng thời thể hiện tính giáo dục, văn hóa ứng xử cộng đồng, lòng kính trọng bề trên và những người có công đối với dân làng.
Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer Lộc Khánh cầu xin thần linh cho đồng bào được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là di sản phi vật thể có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Khmer tại địa phương.
Hằng năm, huyện cùng với già làng, người có uy tín của xã Lộc Khánh, các sư ở chùa cùng nhau tổ chức lễ hội. Phá Bàu là một nét văn hóa truyền thống của người Khmer không chỉ là xuống nước đánh bắt thủy sản mà còn là hoạt động tâm linh, hoạt động vui chơi để người dân phấn khởi, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Với những giá trị văn hóa to lớn, lễ hội Phá Bàu ở huyện Lộc Ninh đã và đang góp phần tạo động lực để đồng bào dân tộc Khmer duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở huyện biên giới Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung./.
Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)