Chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là điểm tựa và động lực để phụ nữ vùng biên tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Thứ ba - 05/07/2022 22:093670
Chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương ” là sự cụ thể hoá, một bước tiến cao hơn của chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ vùng biên giới, hải đảo tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hải đảo” giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai tại 15 xã biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập. Chương trình là hướng đi mới, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa các hình thức, giải pháp của các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường” và “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, đạo đức, pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, trẻ em và người dân khu vực biên giới thông qua nhiều hình thức, hoạt động phong phú, thiết thực như: truyền thông tại cộng đồng, lồng ghép trong sinh hoạt chi hội; tọa đàm, diễn đàn hội viên, giao lưu kết nghĩa với Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn, xây dựng và nhân rộng hoạt động mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ biên giới”...; nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ vùng biên trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới. Sau 03 năm (2018-2020) triển khai thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động tổng các nguồn lực hỗ trợ cho 15 xã biên giới, với hơn 10,8 tỷ đồng.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã và đang tạo ra hiệu ứng và sự lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cũng như cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh... Việc triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng nhằm chia sẻ một phần những khó khăn của phụ nữ ở các xã biên giới, giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gắn kết tình quân dân và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện Chương trình theo chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương châm “Đồng lòng, sáng tạo, thực chất, bền vững”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ký kết và triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2020 – 2025”.
Trong giai đoạn mới, tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền - truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa bàn biên giới. Tuyên truyền chủ trương về công tác Hội, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình và tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là tội phạm mua bán người, bạo lực gia đình, di cư lao động an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá Chương trình, tuyên truyền bộ nhận diện Chương trình, hưởng ứng hoạt động nhắn tin, đẩy mạnh tổng hợp đăng tin, bài trên các kênh thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, mạng xã hội...
Từ năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ được phân công chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: 2021 - 2025). Dự án 8 được xem là đòn bẩy, tiếp thêm sức mạnh để tổ chức Hội phụ nữ triển khai các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên giới.
Các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục huy động nguồn lực, phối hợp xây dựng, duy trì các mô hình sinh kế bền vững ở các xã biên giới. Hướng dẫn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng làm gia tăng hiệu quả giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống phụ nữ từ các mô hình sinh kế. Duy trì và xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo từ các nguồn hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn và nhân rộng mô hình tín dụng, tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ giúp chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội cơ sở và các chương trình, phong trào hoạt động của Hội. Phối hợp tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng hoạt động của Hội, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh, Mái ấm tình thương cho gia đình phụ nữ khó khăn về nhà ở…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội và phát triển kinh tế dẫn đến công tác vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực cho Chương trình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, cùng với sự đồng hành của Hội LHPN thành phố Cần Thơ và tỉnh Bình Dương, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai một cách hiệu quả, đi vào thực chất, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động tổng các nguồn lực hỗ trợ cho 15 xã biên giới, với hơn 1,3 tỷ đồng.
Từ thực tiễn triển khai, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đưa ra một số kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với các nội dung sau:
Thứ nhất, về mặt nhận thức, phải luôn nhất quán quan điểm “Đồng hành có nghĩa là đi cùng”, là sự tiếp sức và thông qua chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, cũng như huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng mà trước hết là các cấp Hội phụ nữ và lực lượng biên phòng trong cả nước nhằm chia sẻ một phần những khó khăn của nhân dân, của phụ nữ ở các xã biên giới đang gặp phải.
Thứ hai, Chúng ta sẽ đồng hành cùng phụ nữ biên cương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ, phát huy vai trò chủ động, tích cực của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nông thôn mới và nhiều các hoạt động an sinh xã hội khác...
Thứ ba, Muốn đồng hành tốt thì phải hiểu từng xã biên giới đang cần gì, đang khó gì. Do vậy Hội LHPN các cấp và Bộ đội biên phòng cần khảo sát nhu cầu thực tế, kết nối để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cách thức đồng hành phù hợp.
Thứ tư, đối với Hội LHPN, hội viên, phụ nữ các xã biên giới cần phải có sự chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, tự vươn lên, phát huy nội lực, cũng như tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng... nỗ lực vượt khó vươn lên, đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển vùng biên cương của Tổ quốc.