Bình Phước: Già làng, người có uy tín thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc
Thứ tư - 13/03/2024 22:053350
Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín, già làng thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu; là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bình Phước hiện có khoảng 360 người có uy tín và 96 già làng tiêu biểu. Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi cung cấp thông tin, lớp tập huấn, các cuộc tham quan và học tập kinh nghiệm... cho các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về các nội dung chuyên đề như: Công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu trong tham gia triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua; một số nội dung về văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải trong công tác phối hợp tham gia hòa giải cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã hỗ trợ kinh phí xăng xe, bảo hiểm y tế và hỗ trợ già làng, người có uy tín hoạt động tích cực nhưng chưa có tên trong danh sách phụ cấp...
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đánh giá cao vai trò của già làng, người có uy tín trong việc phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh nhà. Đồng chí khẳng định “Già làng, người có uy tín đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền của địa phương với đồng bào dân tộc”; “Là tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ rừng” và đặc biệt, đây là đội ngũ quan trọng trong việc nắm chắc tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để các thế lực thù địch, lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí cũng đề cập một số vấn đề đáng quan tâm hiện nay như: Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS chiếm tỷ lệ còn cao, trình độ dân trí còn hạn chế, một bộ phận người DTTS nghèo, chưa phấn đấu để tự vươn lên thoát nghèo, vẫn còn trong chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số phong tục tập quán còn lạc hậu trong sinh hoạt đời sống vẫn còn tồn tại…
Tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”, “Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển”. Từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi để thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện chính sách đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Bình Phước đặc biệt quan tâm và kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của họ tại các địa phương. Tỉnh quan tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số, thăm hỏi già làng, người có uy tín khi ốm đau; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Đây là nguồn động viên để già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò, tích cực, trách nhiệm đối với cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bình Phước luôn vận dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý; huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện chính sách và công tác vận động, tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò của già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh.
Việc quan tâm, giúp đỡ già làng, người có uy tín là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Qua đó, phát huy và tạo điều kiện cho đội ngũ già làng, người có uy tín hoạt động chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các cơ quan, ban, ngành và địa phương tăng cường phối hợp, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng chế độ nhằm động viên người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ với cộng đồng. Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín; đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương.