VẤN ĐỀ NGƯỜI DÂN QUAN TÂM, BỨC XÚC: CÔNG TÁC DÂN VẬN CHÍNH QUYỀN TRONG PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG “TÍN DỤNG ĐEN”

Thứ năm - 05/05/2022 10:47 444 0
Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 12/ CT – TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay đã giảm đáng kể; hoạt động cho vay lãi nặng, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ không còn công khai, manh động; nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” bị triệt phá, nhiều vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Công an Tp Đồng Xoài khám xét nơi ở của đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
Công an Tp Đồng Xoài khám xét nơi ở của đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác  tuyên truyền, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm về “tín dụng đen”. Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp tích cực với các ngành liên quan tấn công, trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” như đánh bạc, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản,…qua đó, tình hình vi phạm pháp luật về “tín dụng đen” đã giảm đáng kể, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công an tỉnh, lực lượng chủ công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen” đã chỉ đạo lực lượng công an trong toàn tỉnh đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ tấn công, trấn áp các đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê liên quan đến “tín dụng đen”; viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với cơ quan điều tra, thống nhất quan điểm xử lý đối với các hành vi vi phạm về hoạt động “tín dụng đen”, tạo tiền đề cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” được thuận lợi và đúng pháp luật.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về hoạt động “tín dụng đen”. Công an các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, lên danh sách các đối tượng, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” để theo dõi, giám sát, xử lý.
MTTQ, các đoàn thể đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về tình hình, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen”  tại các khu dân cư, trường học, công ty trên địa bàn; vận động người dân cảnh giác với các hoạt động “tín dụng đen” và tố giác tội phạm giúp các ngành chức năng xử lý.
Một số vụ án liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh  như: Công an thành phố Đồng Xoài đã triệt phá thành công hai đường dây hoạt động “tín dụng đen”do các đối tượng Nguyễn Văn Thiệu – sinh năm 1992 tại tỉnh Hà Nam và Nguyễn Bá Dương – sinh năm 1995 tại tp Hải Phòng cầm đầu. Riêng năm 2019, công an tỉnh đã khám phá 32 băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” với 48 đối tượng liên quan, trong đó khởi tố 16 vụ với 25 bị can. Các băng nhóm cho vay với lãi suất từ 131 – 365 % /năm, có băng nhóm đẩy lãi suất lên đến 415%/năm.  
Tuy nhiên, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn tiềm ẩn. Các đối tượng có chiều hướng hoạt động khép kín, ẩn náu, tinh vi hơn trước. Các đối tượng thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao cho vay trực tuyến. Đã xảy ra một số vụ án bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, …có nguyên nhân xuất phát từ “tín dụng đen”. Tình trạng đòi nợ thuê, nhắn tin đe dọa, sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người đi vay còn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Các đối tượng cầm đầu chủ yếu là ở các tỉnh phía bắc câu kết với các đối tượng ở địa phương để tìm kiếm người vay. Nhiều nhóm đối tượng chuyển sang hoạt động không cần cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng lưu động, đi tìm khách hàng trên nhiều địa bàn. Đối tượng cho vay cũng được lựa chọn kỹ hơn, tập trung vào những hộ gia đình kinh doanh – sản xuất gặp khó khăn, cần nguồn vốn khẩn cấp hoặc các thanh thiếu niên hư hỏng, ăn chơi, đánh bạc.  
Trong quá trình thực hiện, còn một số đơn vị, địa phương chưa triển khai hoặc chậm triển khai các nhiệm vụ về đấu tranh với “tín dụng đen” như: Công tác thu thập các số điện thoại được quảng cáo cho vay để thực hiện việc cắt, khóa sóng còn chậm; số lượng thuê bao bị cắt sóng chưa đáng kể; công tác vận động các cơ sở in ấn, photocopi cam kết không in ấn, phô tô các tờ rơi, quảng cáo cho vay chưa được thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động cho vay của các đối tượng ngày càng tinh vi, được ngụy trang trá hình bằng nhiều hình thức cho vay như mua bán tài sản, ít để lại tài liệu, chứng cứ đã gây khó khăn cho việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý trước pháp luật.
Một số khó khăn, vướng mắc: Tội phạm “tín dụng đen” hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng như: Các đối tượng cho vay không ghi rõ mức lãi suất trong giấy vay tiền mà thỏa thuận miệng với người vay. Các hoạt động thỏa thuận thường dùng tiếng lóng, các giấy tờ vay thì chủ nợ giữ hết, con nợ chỉ trả lãi suất theo thỏa thuận, dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra, chứng minh hành vi phạm tội. Đa số các băng nhóm, đối tượng hoạt dộng “tín dụng đen”, cho vay, đòi nợ thuê là những đối tượng có tiền án, tiền sự, am hiểu về lĩnh vực tài chính. Họ lôi kéo đối tượng là các thanh niên hư, không có việc làm. Một số đối tượng ở các tỉnh phía bắc vào địa phương sinh sống, hoạt dộng trong các khu dân cư, các đối tượng thường giao dịch tại các quán cà phê, nhà nghỉ, nhà trọ, .. nên rất cơ động, khiến lực lượng công an khó phát hiện hoặc nếu bị phát hiện thì chúng đã chuyển địa điểm khác. Quá trình vay nóng thường diễn ra rất nhanh gọn, chủ yếu là viết giấy tay, ngoài ra người vay không cung cấp được các giấy tờ khác có liên quan đến hoạt động vay nợ để có căn cứ xử lý các đối tượng.
Còn nhiều trường hợp người đi vay “tín dụng đen” thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, trong một số trường hợp còn bênh vực đối tượng cho vay, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý. Một số trường hợp không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Chủ yếu các vụ việc được phát hiện khi người đi vay bị các đối tượng đòi nợ thuê cưỡng doạt tài sản, tấn công đe dọa mới cung cấp thông tin. Do đó, quá trình vay – trả nợ diễn ra âm thầm, khi tội phạm “tín dụng đen” từ giai đoạn “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” chuyển sang “đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản” thì cơ quan chức năng mới tiếp cận được bị hại và đối tượng, lúc này tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã trở nên phức tạp hơn.
            Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, giao các địa phương, đơn vị thực hiện một số nội dung công việc cụ thể như sau:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các hyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12/CT – TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 87/KH – UBND ngày 04/4/2019 của UBND tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chủ yếu là trên các trang mạng xã hội, trên báo dài, truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ những nguy cơ, hậu quả khi vay tiền “tín dụng den”; vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tích cực tố giác tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; tổ chức xóa, bóc dỡ tờ rơi, biển quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen” tại nơi công cộng, khu công nghiệp và khu dân cư.
2. Sở Thông tin và truyền thông tích cực phối hợp với lực lượng công an tổ chức rà soát, chặn các thuê bao điện thoại sử dụng quảng cáo cho vay “tín dụng đen”. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong quy định cho phép, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tiếp cận vốn vay để hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần hạn chế tình trạng vay “tín dụng đen”.
3. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt dộng “tín dụng đen” gắn với đấu tranh triệt xóa các đường dây đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, …triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động. Trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo lực lượng an ninh xuống cơ sở, cho các cơ sở in ấn, photocopi cam kết không in ấn, phô tô các loại tờ rơi, quảng cáo liên quan đến cho vay. Phối hợp với đoàn thanh niên cơ sở ra quân các đợt tẩy xóa các hình ảnh quảng cáo   dán tại điểm công cộng, tạo hiệu ứng tuyên truyền đến người dân, dồng thời làm hạn chế việc tìm kiếm, tiếp cận người vay.
4. Tiếp  tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
5. Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty kinh doanh tài chính. Kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

Nguồn tin: Trần Đức Mậu- BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây