Trên cơ sở tiếp thu và quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Bù Đăng đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng phong trào “Dân vận khéo”. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân vận và tầm quan trọng của việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua hơn 05 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay trên địa bàn huyện Bù Đăng đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng từ huyện đến cơ sở và cộng đồng dân cư, góp phần tạo “đòn bẩy” thúc đẩy cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Với địa phương có đông đồng bào DTTS, đồng bào có đạo, đời sống của đồng bào DTTS đa số còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mặt bằng dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế, đất sản xuất ngày càng thu hẹp, chỉ trông chờ vào mùa điều, chưa tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi và sản xuất; ở vùng sâu, vùng xa đường xá đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS nói chung còn biểu hiện tự ty, mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Để làm tốt công tác dân vận và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, nhất là phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, bởi đây là yếu tố quan trọng và quyết định đến sự thành công. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới là bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở đó là xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, các chức tôn giáo để thu hút lực lượng tham gia; huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã. Xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp; vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo; tranh thủ gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của đồng bào DTTS, đồng bào có đạo và phối hợp tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS, đồng bào có đạo hưởng ứng tham gia. Với phương thức “Thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi”, hệ thống dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị của huyện thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới đã tập trung vào những vùng đặc thù như: Vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo và các xã còn nhiều khó khăn để huy động sức mạnh của Nhân dân. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi", bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như: Qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn và đến từng hộ gia đình, đã huy động được sức dân trong đó có đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo; hàng năm đóng góp tiền, ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn; điển hình như: Mục sư Điểu Hiêng đã vận động đồng bào, tín hữu đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ quỹ xây nhà “Đại đoàn kết”, quỹ vì người nghèo và làm đường nông thôn; Đại đức Thích Bửu Khánh đã vận động ủng hộ đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, quỹ xây nhà “Đại đoàn kết”, xây trường học; Thượng tọa Thích Đồng Tấn đã ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng phòng học tại trường TH Kim Đồng xã Đức Liễu, ủng hộ quỹ vì người nghèo, xây nhà “Đại đoàn kết” làm đường giao thông với hàng trăm triệu đồng,... Qua đó, đến nay trên toàn huyện phong trào xây dựng đường bê tông và điện chiếu sáng nông thôn được đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo cùng với Nhân dân đồng tình ủng hộ và đóng góp trên 89,5 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp trên 247,4 km đường bê tông xi măng và thảm nhựa; đóng góp trên 3,35 tỷ đồng lắp đặt các trụ đèn đường chiếu sáng khu dân cư; hàng trăm triệu đồng lắp đặt camera an ninh…; Các công trình đầu tư ở cơ sở, Nhân dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Có thể khẳng định rằng, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua ”Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần động viên, khuyến khích đồng bào DTTS, đồng bào có đạo, các chức sắc, tín đồ trên huyện Bù Đăng đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.