Tân Lập là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đồng Phú và của cả tỉnh với hệ thống giao thông được xây dựng đồng bộ, rộng khắp. Tuy nhiên, một số tuyến đường đấu nối, thưa dân vẫn chưa được bê tông, nhựa hóa; các tuyến đường liên tổ cũng đã quy hoạch, tuy nhiên người dân thường lấn chiếm, vì thế nhiều tuyến đường tổ trong quy hoạch rộng từ 7m - 8m, nhưng thực tế chỉ còn 3m - 4m. Nhằm đảm bảo cho quá trình phát triển ổn định lâu dài, Đảng ủy, UBND xã thống nhất chủ trương vận động nhân dân tiếp tục hiến cây, hiến đất để mở rộng đường. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, người dân đã thấy được lợi ích mang lại khi mở rộng đường nên đồng thuận rất cao. Và rồi hiện nay nhiều tuyến đường đã mở rộng, đảm bảo được quá trình lưu thông, ổn định lâu dài về sau. Cụ thể như đường tổ 3, ấp 2 dài 880m, hình thành hơn 20 năm qua nhưng do thưa dân và chủ yếu phục vụ người dân đi làm rẫy, nay đã được đầu tư xây dựng. Trước đó, đây là tuyến đường mòn nhỏ, hẹp, mặt đường chỉ rộng 3m - 4m nhưng đến đến nay được mở rộng khang trang bình quân 10m. Đây được xem là tuyến đường tổ rộng nhất xã Tân Lập cho đến thời điểm hiện tại. Tương tự, tuyến đường ấp 4 đấu nối với ấp 2 dài gần 1km, trước đây chỉ là tuyến đường mòn nhỏ hẹp chủ yếu phục vụ các hộ dân đi làm vườn, rẫy nhưng đến nay đã được giải phóng mặt bằng thi công rộng 10m. Không chỉ đột phá giải phóng mặt bằng mở rộng hàng lang lộ giới, xã Tân Lập còn đi tiên phong vận động nhân dân đóng góp thêm kinh phí bê tông rộng hơn 1m so với thiết kế ban đầu. Thực hiện bê tông các tuyến đường theo cơ chế đặc thù, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân đóng góp kinh phí thuê đơn vị thi công làm. Trong đó, bình quân mỗi tuyến đường liên tổ, liên ấp Nhà nước chỉ hỗ trợ bê tông rộng 3m, dày 14cm. Do mặt đường bê tông chỉ rộng 3m nên các phương tiện rất khó lưu thông, nhất là khi có 2 xe ô tô đi ngược chiều. Rút kinh nghiệm từ những tuyến đã làm trước đó, xã chủ trương cho các ấp vận động nhân dân đóng góp thêm vốn đối ứng làm rộng thêm 1m so với thiết kế. Nếu như trước đây để làm 1km đường bê tông rộng 3m theo cơ chế đặc thù, nhân dân chỉ đóng khoảng 200 triệu thì nay mở rộng lên 4m phải đóng 450 triệu đồng. Tức là ngoài đóng góp kinh phí cùng Nhà nước bê tông 3m thì để mở rộng lên 4m người dân phải đóng 100% kinh phí làm thêm 1m. Dù số tiền đóng góp đối ứng nhiều hơn gấp đôi nhưng được đi trên tuyến đượng rộng rãi, khang trang, lưu thông thuận tiện nên đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. 4 tuyến đường liên tổ thuộc ấp 9, dài 2,5km chỉ là đường đất sình lầy rộng 3m nên rất khó lưu thông. Được chọn đầu tư làm đường bê tông theo cơ chế đặc thù, thực hiện chủ trương của lãnh đạo xã, ấp đã vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc giải phóng mặt bằng để mở rộng hành lang lộ giới từ 4m lên 7m. Đặc biệt, theo thiết kế ban đầu, Nhà nước chỉ đầu tư vật liệu bê tông mặt đường rộng 3m, nhưng để các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn, ấp đã vận động nhân dân đóng góp bê tông rộng lên đến 4m, dày 14cm. Đây là việc làm thể hiện sự quyết tâm của cán bộ và người dân nhằm xây dựng hệ thống giao thông rộng mở cho tương lai. Tuyến đường tổ 3, ấp 2 dài 880m cũng tương tự, ngoài vận động nhân dân hiến đất, cây trồng mở rộng hành lang lộ giới từ 4m lên 10m, có đoạn rộng 12m thì các hộ còn đóng góp thêm kinh phí bê tông tuyến đường rộng 4m.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, xã Tân Lập đã vận động mở rộng và bê tông 7,3km đường giao thông liên tổ, liên ấp theo cơ chế đặc thù. Trong đó, nhiều tuyến đường hành lang lộ giới được mở rộng từ 7m đến 12m, bê tông rộng 4m. Đây là việc làm thể hiện sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và người dân xã Tân Lập và là mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cần được nhân rộng.