Địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, tổng số đồng bào dân tộc thiểu số là 4.987 hộ dân. Thời gian qua, việc chăm lo toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lộc Ninh tập trung thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, giúp các hộ nỗ lực, khát khao được thoát nghèo, Huyện uỷ Lộc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Huyện uỷ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thiết thực giúp các hộ vươn lên thoát nghèo và một trong những giải pháp hiệu quả, quan trọng được huyện Lộc Ninh luôn chú trọng đó là nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nhân dân thông qua các chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số
Ngày 14/4/2020, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1075/QĐ-UBND về việc giao chi tiết vốn chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020, các địa phương trên địa bàn huyện đã tiến hành tổ chức thực hiện theo quy định. Đồng thời Lộc Ninh cũng thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 24/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc nâng cao điều kiện sống thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các cấp, ngành trong huyện quan tâm, đặc biệt là thông qua nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới, đã tập trung vào các công trình bê tông hóa các tuyến đường, xây dựng nếp sống văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, diện mạo nông thôn đã dần được thay đổi. Nhờ đó, tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện từng bước được ổn định và phát triển; đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng lên rõ rệt, công tác giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm đầu tư, đời sống văn hoá tinh thần được nâng cao, bản sắc văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát triển.
Về với xã Lộc Tấn của huyện Lộc Ninh: Đảng uỷ xã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là rất quan trọng nên Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó đã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân trong công tác giảm nghèo. Làm sao để người dân khát khao vươn lên thoát nghèo bằng sự nỗ lực của chính mình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo để chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Để xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo, ngoài vận động các tổ chức, cá nhân, Đảng uỷ xã Lộc Tấn vận động mỗi đảng viên tiên phong đóng góp 1.000 đồng/ngày, tập thể đại biểu HĐND xã đóng góp 3 triệu đồng/năm. UBND xã xây dựng nội dung ký kết chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo giữa Ban chỉ đạo giảm nghèo với MTTQ, hội đoàn thể, trường học và các khu dân cư. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, từ đầu năm đến nay, xã có 31 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo; trong đó 6 hộ dân tộc thiểu số, 7 đối tượng bảo trợ xã hội.
Tại xã Lộc Thạnh, Đảng uỷ, UBND xã thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp và đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Đầu năm 2020 xã có 17 hộ nghèo thì đến nay tất cả đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Hiện Lộc Thạnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, vì thế đối với những hộ đã thoát nghèo, ngoài tiếp tục quan tâm, chia sẻ thì xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, giúp các hộ vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để tránh tái nghèo.
Kết quả công tác giảm nghèo ở Lộc Ninh đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và chắc chắn rằng trong thời gian tới, huyện Lộc Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo bền vững.