Huyện Đồng Phú: “Dân vận khéo” hướng đến mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới trong năm 2020

Thứ sáu - 04/12/2020 08:22 504 0
Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ban Dân vận Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Khối dân vận xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng Nông thôn mới; lồng ghép nội dung xây dựng Nông thôn mới vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi, tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới các nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp.
Lễ trao bằng công nhận xã Đồng Tiến đạt chuẩn nông thôn mới.Nguồn Báo Bình Phước
Lễ trao bằng công nhận xã Đồng Tiến đạt chuẩn nông thôn mới.Nguồn Báo Bình Phước
Hướng đến mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới trong năm 2020. Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú đã chỉ đạo các cấp, ngành lấy công tác dân vận làm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của huyện cùng bắt tay vào cuộc; phối hợp với cấp ủy, ban chỉ đạo, ban điều hành xây dựng Nông thôn mới tiến hành xây dựng các kế hoạch khảo sát; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, tọa đàm để trao đổi, bàn bạc về cách làm, bước đi; lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm tình hình từng cơ sở.

Điểm nổi bật là khối dân vận xã, thị trấn và nhất là các tổ dân vận ở ấp, khu phố đã bám sát cơ sở và từng hộ, tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, tự nguyện tham gia vào các mục tiêu, giải pháp thực hiện xây dựng Nông thôn mới của xã, hướng dẫn cụ thể từng tiêu chí để thực hiện. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng Nông thôn mới được huyện gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong Cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các xã đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ các khâu xây dựng đề án, kế hoạch, quy hoạch, nguồn vốn được công khai, minh bạch rõ ràng, để người dân tham gia đóng góp ý kiến, giám sát tiến độ thi công.

Thực hiện có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp, nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân, vận động nguồn lực từ nhân dân, sức dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà doanh nghiệp… quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới công tác “Dân vận khéo” được phát huy, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đặc biệt triển khai làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù. 05 năm thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với số vốn đầu tư 831,338 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 24,33 tỷ đồng. Các cấp, các ngành trong huyện đã vận động nhân dân hiến cây, hiến đất làm 22,74km đường; đồng thời huyện cũng đã đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa được hơn 495,3km đường giao thông, với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Tại các địa phương, đơn vị đã có nhiều mô hình “Dân vận khéo”, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, trở thành hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng với những mô hình hay, cách làm hiệu quả như: xây dựng mô hình chăm sóc 45 tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp tại các xã, thị trấn do Hội phụ nữ thực hiện; vận động nhân dân đóng lặp đặt 195 Camera an ninh trên các tuyến đường giao thông (với số tiền trên 1.195.000.000 đồng); mô hình “Thắp sáng đường quê” do MTTQ, các đoàn thể phối hợp thực hiện được 53.395km với tổng kinh phí 1.744.356.000 đồng; mô hình “Hũ gạo tình thương” Hội Chữ Thập đỏ xã Tân Lập; mô hình “Ánh sáng an ninh” tại chốt dân phòng trong ấp Dên Dên và điểm đường xuống đập Bà Mụ… Mô hình “Camera an ninh” tại cộng đồng dân cư và mô hình “Thắp sáng đường quê” tạo sự thuận lợi trong đi lại cho người dân, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, phòng ngừa trộm cắp, được nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ, đã góp một phần quan trọng nâng cao bộ mặt đời sống nông thôn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như Dự án BOT Đồng Phú - Bình Dương; Dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài lên Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú qua tuyên truyền, vận động đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của Nhân dân. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy sức dân là chính, Dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài được triển khai thực hiện là một thành công lớn, mang lại niềm vui, phấn khởi cho nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, các cơ quan chuyên môn của huyện và thị trấn Tân Phú, tổ dân vận của các khu phố có dự án đi qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động nhân dân góp công, góp của chung tay xây dựng công trình. Phạm vi ảnh hưởng của dự án là 51 hộ dân nhưng có tới 31 gia đình đã tự nguyện hiến đất, đất, cây trồng, tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, có hộ hiến gần 7.000m2 đất với khoảng 300 gốc cao su đang thu hoạch... để công trình được triển khai thực hiện. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhờ “khéo” vận động mà nhiều công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2019 có 08/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu cuối năm 2020 thực hiện đạt chuẩn đối với 02 xã Thuận Lợi, Đồng Tâm và huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
image003
Huyện Đồng Phú đang đẩy mạnh các công trình xây dựng
để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020. Nguồn Báo Bình Phước

Hiệu quả công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự, củng cố cơ sở đảng, chính quyền, khối dân vận cơ sở huyện Đồng Phú ngày càng vững mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kết quả hàng năm, có trên 80% khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết); có 95,34% số hộ trở lên được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” (vượt 2,34% so với chỉ tiêu Nghị quyết); 89,52% Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; 73/73 khu dân cư xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước; có trên 80% xã, thị trấn đạt danh hiệu “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (tăng 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI).

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy đề xuất một số giải pháp như sau:

1- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác dân vận; nghiêm túc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; học tập và làm theo tư tưởng, phong cách “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có giải pháp tăng cường công tác dân vận của địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

2- Tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực gắn với vận động nhân dân thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện.

3-  Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện tốt Quyết định 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.

4- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động.

5- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

Nguồn tin: Đoàn Tứ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây