PHÒNG AN NINH KINH TẾ: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÔNG NHÂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ ba - 03/11/2020 22:08 489 0
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền kỹ năng phòng chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công nhân lao động luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, các kỹ năng phòng chống tội phạm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, nhất là số lao động làm việc trong các Khu Công nghiệp(KCN), Khu Kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh….Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật ở từng đối tượng, thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống.
Phòng PA04 phối hợp tổ tuyên truyền Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật và kỹ năng chống tội phạm tệ nạn xã hội cho cán bộ công nhân tại Công ty TNHH DVCS – Khu Công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc
Phòng PA04 phối hợp tổ tuyên truyền Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật và kỹ năng chống tội phạm tệ nạn xã hội cho cán bộ công nhân tại Công ty TNHH DVCS – Khu Công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc
Để thực hiện tốt công tác PBGDPL cho các đối tượng công nhân lao động. Từ cuối năm 2019 đến nay, Phòng An ninh kinh tế công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức trên 20 buổi tuyên truyền cho trên 30 nghìn công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn với các nội dung chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước, các tình hình phức tạp về ANTT, tội phạm, các kỹ năng phòng chống tội phạm... Thông qua hoạt động tuyên truyền nhiều thông tin, chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước đã được truyền tải đến công nhân lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài.
 
10
Phòng PA04 tuyên truyền pháp luật và kỹ năng chống tội phạm tệ nạn xã hội cho cán bộ công đoàn nồng cốt tại Liên đoàn lao động tỉnh Bình Phước

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền kỹ năng phòng chống tội phạm, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, người lao động nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Toàn tỉnh hiện có trên 60.000 công nhân lao động đang làm việc trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế; phần đông trong số đó là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn thấp. Do đó dễ bị các loại tội phạm lôi kéo, kích động dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật; mặt khác, một số công nhân lao động còn bị các doanh nghiệp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp mà không biết tự bảo vệ mình, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động.

Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thì việc học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật do người lao động tự "xoay sở"; mặc dù tổ chức Công đoàn đã làm tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công nhân trong các doanh nghiệp này song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

Đối với các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thì việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động chủ yếu do Công đoàn thực hiện, song nguồn kinh phí và điều kiện để tổ chức hoạt động tuyên truyền còn nhiều hạn chế, khó khăn; đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu về số lượng vừa yếu về kiến thức và kỹ năng; một số cán bộ công đoàn vừa được đào tạo, bồi dưỡng xong lại biến động do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Mặt khác, một số doanh nghiệp cho rằng việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp mà tự người lao động phải tìm hiểu. Đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp khi lực lượng Công an đặt vấn đề phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho công nhân thì doanh nghiệp thờ ơ, thiếu thiện chí hợp tác hoặc tìm cách trì hoãn với lý do là phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh. Khi xảy ra ngừng việc tập thể hoặc công nhân vi phạm nội quy lao động, kỷ luật lao động thì doanh nghiệp không nhận thấy trách nhiệm của mình mà luôn đổ lỗi cho người lao động thiếu hiểu biết pháp luật.

Thời gian gần đây, các cuộc ngừng việc tập thể tự phát của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm nhưng không đáng kể ( Năm 2017: 14 vụ; năm 2018: 06 vụ; năm 2019: 04 vụ); riêng 06 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 04 vụ đình công, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, liên quan đến lao động người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) từ vùng dịch đến hoạt động tại địa bàn tỉnh nên đã gây hoang mang trong công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chậm, trì trệ, kéo theo chế độ, chính sách của công nhân, người lao động giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp cắt, giảm hợp đồng lao động, dẫn đến các vụ đình công, ngưng làm việc tập thể thường xuyên xảy ra; từ đó, gây thiệt hại  không nhỏ về lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. 
 
11
Phòng PA04 phối hợp tổ tuyên truyền Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật và kỹ năng chống tội phạm tệ nạn xã hội cho công nhân tại Công ty TNHH In Hoa Hong Yi – KCN Bắc Đồng Phú

          Từ những khó khăn bất cập trên cho thấy nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động; cần huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa và đóng góp từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân; cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về thời gian, địa điểm để các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hội trường, hệ thống truyền thanh nội bộ, tủ sách pháp luật, bảng tin, pa nô, áp phích... tạo hệ thống thiết chế đồng bộ phục vụ cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật nhất là pháp luật về lao động nhằm uốn nắn hoặc xử lý kịp thời các vi phạm của các doanh nghiệp.

Đối với lực lượng công an tỉnh nói chung, lực lượng An ninh kinh tế nói riêng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng chống tội phạm cho công nhân, người lao động trong các KCN, KKT là nhiệm vụ lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như trang bị cho người lao động các kĩ năng để có thể tự bảo vệ bản thân trong quá trình lao động; từ đó, góp phần đảm bảo ANTT, an ninh công nhân tại địa phương. Hàng năm, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỹ năng phòng chống tội phạm, giáo dục pháp luật cho công nhân, tập trung cao điểm vào “Tháng công nhân” và vào các doanh nghiệp có đông công nhân lao động phức tạp về tình hình ANTT. Nội dung cần tập trung vào các chủ chương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước các Bộ luật, các tình hình thời sự nóng liên quan đến ANTT, ANCN, hướng dẫn cho người lao động các kĩ năng cơ bản, cách ứng biến trước các tình huống cụ thể... Bên cạnh đó, cần lựa chọn và sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền cho phù hợp điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, như: Tuyên truyền miệng; qua hệ thống thông tin đại chúng; qua hệ thống loa truyền thanh ở doanh nghiệp; qua các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở...

Thực hiện công tác tuyên truyền kỹ năng phòng chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật cho công nhân, người lao động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nói chung và lực lượng An ninh kinh tế nói riêng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực thì trước hết cần có sự chủ động hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước có liên quan và sự năng động sáng tạo của mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền. Khi hiểu biết về pháp luật của người lao động được nâng lên, họ sẽ luôn có ý thức trong việc tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đó là một trong nhiều biện pháp hiệu quả góp phần xây dựng hình ảnh người lao động nói chung, doanh nghiệp nói riêng, giúp cho việc xây dựng tỉnh Bình Phước ngày một phát triển.

Nguồn tin: Minh Thiển – Văn Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay4,867
  • Tháng hiện tại77,410
  • Tổng lượt truy cập1,255,399
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây